Khoảnh khắc hàng trăm nghìn con cua nhện ngoi lên từ đáy biển sâu để lột vỏ ở vùng nước nông lọt vào ống kính của các nhà làm phim.
Đoàn quân cua nhện bò dọc đáy biển tới vùng nước thuộc vịnh Mornington ở Victoria, Australia khi mùa đông kéo đến, Sun hôm qua đưa tin. Chúng trèo lên mình nhau tạo lên từng gò cao để bảo vệ bản thân trong lúc thay thế lớp vỏ cũ chật chội bằng một lớp vỏ khác.
Đàn cua nhện bò chất chồng lên nhau tạo thành từng gò cao. (Video: BBC).
Do vỏ cua nhện không thể to dần, chúng buộc phải đến vùng nước lông để lột vỏ, cho phép cơ thể phát triển dưới lớp vỏ lớn hơn. Sau khi cua lột hết lớp vỏ cũ, chúng phải chờ vài ngày để lớp vỏ mới cứng dần và có thể bảo vệ chúng an toàn trước động vật săn mồi như những con cá đuối đường kính 4 mét lượn lờ xung quanh
Các nhà làm phim tài liệu tự nhiên Blue Planet II ghi lại cuộc tụ họp hàng năm của cua nhện. "Giống như mọi loại cua, cơ thể chúng được bao bọc bởi một lớp vỏ cứng không thể nới rộng. Do đó để lớn lên, chúng phải chui ra khỏi đó, tạo điều kiện cho lớp vỏ mềm bên dưới cứng cáp dần", ngài David Attenborough, người dẫn chương trình Blue Planet II, giải thích.
Loài giáp xác này gần như vô hại.
Dù cảnh cua nhện bò tầng tầng lớp lớp có vẻ đáng sợ, loài giáp xác này gần như vô hại. "Chúng tôi tìm kiếm tới lui trong hàng giờ, cho tới khi trông thấy một vùng nước có màu sắc hơi khác biệt. Việc đến gần khối chân và càng khổng lồ đó lần đầu tiên quả là kỳ thú. Đám cua dường như không quan tâm tới sự hiện diện của chúng tôi. Một hoặc hai con thường bò lên chân tôi trong lúc ghi hình", Alex Vail, nhà quay phim của chương trình, chia sẻ.