Đối thoại trực tuyến với dân

Ngày 9-2 tới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đối thoại trực tuyến với dân qua mạng Internet. Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa, đánh dấu một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển và hội nhập của đất nước. Ở nhiều nước trên thế giới, việc các nhà lãnh đạo đối thoại trực tiếp với dân đã thành thông lệ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người đầu tiên xác lập thông lệ đó ở nước ta.

Đối thoại trực tuyến với dân thì có thể hiểu được lòng dân.

Những người lãnh đạo đều được một đội ngũ đông đảo các quan chức tham mưu, giúp việc.

Truy cập trang web Chính phủ để đặt câu hỏi đối thoại trực tuyến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: N.C.T.

Các vấn đề của dân, nỗi lòng của dân không phải bao giờ cũng có thể phản ảnh trực tiếp được với lãnh đạo, mà thường là bị “khúc xạ” qua đội ngũ các quan chức nói trên. Chưa nói đến sự tác động của các lợi ích đặc biệt và của các chính kiến chủ quan, “tam sao thất bản” là chuyện thường rất khó tránh khỏi trong quá trình “bẩm báo”.

Đối thoại trực tuyến được với dân cũng là để gửi được thông điệp đến cho dân. Với quá trình hội nhập ngày càng sâu sắc hơn và với cơ chế thị trường vận hành ngày càng đầy đủ hơn, quyền tự quyết của người dân và doanh nghiệp sẽ ngày càng to lớn. Trong một môi trường như vậy, lãnh đạo bằng thông điệp là rất quan trọng. Không gì có thể định hướng được hành vi của hàng triệu con người bằng những thông điệp anh minh và mạch lạc.

Đối thoại trực tuyến với dân để có thể lý giải được các chính sách cho dân. Các chính sách đề ra là để giải quyết những vấn đề đang được đặt ra của đất nước và hướng tới những lợi ích chung của cả cộng đồng. Tuy nhiên, không ít chính sách, ví dụ như chính sách bảo hộ công nghiệp sản xuất ôtô trong nước, chính sách thuế thu nhập cá nhân..., là những quyết định hết sức khó khăn. Những quyết định khó khăn nhiều khi là cần thiết và không thể thiếu. Vấn đề là nếu điều đó được làm rõ cho dân và được người dân thấu hiểu thì các chính sách mới có được sự ủng hộ cần thiết để thành công.

Và đối thoại trực tiếp với dân sẽ nâng cao tính tích cực chính trị của dân. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu người dân lại tỏ ra thờ ơ với đời sống chính trị. Ngược lại, nếu người dân tích cực tham gia quá trình hoạch định chính sách thì chính sách sẽ được ban hành tối ưu hơn, phù hợp hơn. Nếu người dân tích cực tham gia việc chống tham nhũng thì hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ được bảo đảm.

Việc Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tuyến với dân là một bước tiến mới của quá trình dân chủ hóa và minh bạch hóa nền quản trị quốc gia. Một việc làm cụ thể chứa đựng những ý nghĩa, những tác động sâu xa và to lớn.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Theo Tuổi Trẻ Online
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video