Đàn cá nhà táng ngoài khơi Australia sử dụng một cơ chế tự vệ hiếm gặp để buộc bầy cá voi sát thủ đang tấn công chúng phải rút lui.
Một đàn cá nhà táng bị bầy cá voi sát thủ săn đuổi ở ngoài khơi bang Western Australia. Sau khi kiệt sức, chúng xua đuổi những kẻ tấn công đói mồi bằng một bãi chất thải khổng lồ. Khả năng bài tiết theo ý muốn để tự vệ này là một đặc điểm hiếm gặp và cơ chế đối phó kẻ thù mà cá nhà táng sử dụng, theo Newsweek.
Bầy cá voi sát thủ tìm cách tấn công đàn cá nhà táng hôm 19/3, cách vùng ven biển hơn 48 km ở điểm nóng trên biển mang tên vực Bremer. Hành khách trên tàu du lịch Naturaliste Charters là những người chứng kiến sự việc. "Đó là cơ chế thải phân để tự vệ", nhà sinh vật học hải dương Jennah Tucker làm việc trên tàu, cho biết. "Do chế độ ăn của cá nhà táng chủ yếu là mực, chất bài tiết của chúng thực sự có màu đỏ".
Cá nhà táng cố gắng xúm lại với nhau để tự vệ. (Ảnh: Jodie Lowe).
Cá voi sát thủ là loài kiếm ăn cơ hội với chế độ ăn đa dạng gồm cá, động vật có vú ở biển như hải cẩu, sư tử biển và hải mã, cá mập, cá đuối, mực, thậm chí cả loài cá voi khác. Chúng thường hợp tác săn mồi theo bầy, với thành viên thuộc nhiều thế hệ và có quan hệ họ hàng, quy mô từ vài con tới hơn 40 con. Hợp tác săn mồi cho phép cá voi sát thủ nhắm tới con mồi lớn hiệu quả hơn và tăng khả năng thành công.
Ban đầu, những con cá nhà táng dường như thấm mệt, chật vật tụ lại với nhau để đảm bảo an toàn trước bầy cá voi sát thủ tấn công. Chúng nhô đầu lên khỏi mặt nước để hít thở, theo Tucker. Sau đó, mọi người trên tàu trông thấy bong bóng vật chất màu đỏ nhô lên mặt nước và lo sợ đó có thể là máu từ một trong những con cá voi. Tuy nhiên, bong bóng được xác nhận là phân cá nhà táng.
"Đám mây chất thải được tạo ra khi cá nhà táng quẫy đuôi qua phân của chúng để ngăn chặn động vật ăn thịt", công ty Naturaliste Charters Bremer Canyon Killer Whale and Pelagic Expeditions chia sẻ. "Cá voi sát thủ có một màn rượt đuổi căng thẳng, thể hiện sức mạnh và kỹ thuật săn mồi ưu việt của chúng, cho phép chúng lùa loài ăn thịt có răng lớn nhất đại dương vào vùng biển nông. Nhưng chúng không phải là đối thủ xứng tầm với chiến thuật tự vệ của cá nhà táng".
Hành vi quẫy đuôi qua đám mây chất thải của cá nhà táng khiến kẻ thù của chúng bối rối. Chúng cũng xúm lại gần nhau, tạo thành hình sao nhiều cánh với phần đầu hướng vào trung tâm và đuôi tỏa ra ngoài. Cuối cùng, bầy cá voi sát thủ nhanh chóng rút lui, bỏ lại những con cá nhà táng. Cơ chế tự vệ trên từng được quan sát ở cá nhà táng trước đây. Năm 2015, một thợ lặn đột nhiên bị bao trùm bởi đám mây chất thải sau khi nhảy xuống nước để chụp ảnh cá nhà táng.
Hành vi tấn công của cá voi sát thủ ở Western Australia rất bất ngờ bởi cá nhà táng thường nằm ở đỉnh chuỗi thức ăn và cá voi sát thủ hiếm khi tấn chúng. Chúng có vẻ liều lĩnh hơn phần lớn động vật biển, tấn công cả sinh vật lớn như cá voi xanh.