Chiều 15-1 sẽ diễn ra nhật thực hình khuyên, một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Tại Việt Nam có thể quan sát được nhật thực một phần trong khoảng thời gian từ 14g15 đến 17g.
Nhật thực hình khuyên ngày 26-1-2009 - Ảnh: CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM
Nhật thực hình khuyên chụp tại Indonesia vào 26-1-2009 - Ảnh: National Geographic
Khu vực miền Bắc sẽ xem được nhật thực rõ nhất với độ che khuất lớn hơn 60%. Khu vực miền Trung, độ che khuất của mặt trời vào khoảng 40-60%.
Ở các tỉnh miền Nam, độ che khuất của mặt trời bị giảm chỉ khoảng 30-40% nhưng vẫn lớn hơn nhiều lần so với nhật thực ngày 22-7-2009 vừa qua.
Nhật thực diễn ra vào thời điểm Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất thẳng hàng. Do khoảng cách giữa Mặt trăng, Trái đất và Mặt trời không cố định nên có lúc Mặt trăng không che hết được Mặt trời, tạo ra nhật thực hình khuyên. Khi đó Mặt trời vẫn hiện ra như một vòng nhẫn rực rỡ bao quanh Mặt trăng.
Lần nhật thực kế tiếp sẽ diễn ra vào ngày 11-7-2010 nhưng chỉ quan sát được ở vùng nam Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, do lần nhật thực vào ngày 21-5-2012 rất khó xem (chỉ diễn ra vài phút vào sáng sớm) nên phải đến ngày 9-3-2016 chúng ta mới được xem lại nhật thực một phần và đến tận năm 2070 mới xem được nhật thực toàn phần.
Tại TP.HCM, CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM sẽ tổ chức quan sát nhật thực hình khuyên tại Nhà Thiếu nhi Q.5 (số 109 Ngô Quyền, P.11, Q.5), bắt đầu từ 2g chiều. Người xem sẽ được quan sát nhật thực qua kính thiên văn và các kính quan sát mặt trời chuyên dụng.
Tại Hà Nội, Hội Thiên văn Hà nội - HAS sẽ tổ chức quan sát tập trung ở sân vận động Mỹ Đình; còn tại Đà Nẵng, CLB Thiên văn bách khoa - PAC sẽ tổ chức quan sát tại bãi biển Phạm Văn Đồng.
Quan sát nhật thực an toàn:
Khi nhật thực diễn ra, sẽ rất nguy hiểm nếu nhìn bằng mắt thường vì ánh sáng mặt trời có thể làm tổn thương và giảm thị lực mắt vĩnh viễn. Để quan sát trực tiếp, cần sử dụng các loại kính chuyên dùng cho nhật thực hoặc có thể sử dụng kính thợ hàn có độ tối từ số 12 trở lên.
Các loại vật liệu khác như kính râm, phim X-quang, phim chụp ảnh… được các nhà khoa học khuyến cáo không sử dụng dù có thể làm giảm độ chói của Mặt trời nhưng vẫn có thể cho nhiều tia bức xạ độc hại như xuyên qua làm hại mắt.
Nếu không có các loại vật liệu quan sát trực tiếp, chúng ta có thể quan sát gián tiếp qua các cách sau:
- Tạo một lỗ thủng nhỏ khoảng 1mm trên một tấm bìa cứng hoặc một tấm kim loại, cho ánh nắng xuyên qua và quan sát ảnh của Mặt trời xuyên qua lỗ thủng trên 1 tấm giấy trắng đặt ở dưới.
Cách khác: nhìn ảnh qua một chiếc gương được đặt chìm hoàn toàn dưới đáy chậu nước pha mực, nghiêng về phía Mặt trời. Mực pha phải đảm bảo nhìn Mặt trời dịu mà không chói.
- Nếu các bạn có kính thiên văn hoặc ống nhòm, tuyệt đối không được nhìn Mặt trời trực tiếp nếu không có kính lọc chuyên dụng. Chúng ta có thể quan sát bằng cách hướng ống kính về phía Mặt trời và hứng ánh sáng lên một tấm giấy đặt ở phía sau.