Câu hỏi này thực ra đã trở thành tin đồn lan truyền rộng rãi trong cộng đồng mạng những ngày qua. Tuy nhiên một chuyên gia địa chất Mỹ mới đây khẳng định điều này khó xảy ra.
Núi lửa Shinmoedake trên đảo Kyushu, Nhật Bản phun trào hôm 13-3 - Ảnh: AP
Trả lời phỏng vấn của Tân Hoa xã hôm 30-3, TS Jian Lin - chuyên gia địa vật lý và là nhà khoa học kỳ cựu đang công tác tại Viện hải dương học Woods Hole (Mỹ), cho biết: các số liệu ghi nhận trong lịch sử cho thấy các trận động đất lớn thường không lập tức dẫn đến những đợt phun trào núi lửa lớn.
Theo TS Lin, sau trận động đất ngày 11-3 vừa qua ở Nhật Bản, chắc chắn những chấn động ở vỏ trái đất sẽ gây ra một số thay đổi trong hoạt động của các núi lửa nằm gần tâm động đất, nhưng khó có khả năng khiến núi lửa phun.
Ông đặc biệt nhấn mạnh điều này khi so sánh các vụ động đất làm núi lửa phun trong quá khứ: đa phần các núi lửa đang hoạt động ở Nhật Bản nằm khá xa tâm trận động đất ngày 11-3. “Chúng ở quá xa, do đó ít bị ảnh hưởng trực tiếp”, ông nói.
Dù vậy, ông cũng lưu ý cần theo dõi chặt chẽ tất cả núi lửa đang hoạt động ở Nhật Bản.
Cho đến nay, mới chỉ có hai trường hợp núi lửa phun được chứng minh là do động đất lớn gây ra. Một là núi lửa Kilauea ở Hawai, phun trào ngày 29-11-1975 sau trận động đất mạnh 7,2 độ Richter ở Đảo Lớn, với tâm động đất nằm khá gần núi lửa. Hai là cụm núi lửa Puyehue-Cordon Caulle ở Chile, phun trào vào năm 1960 sau một trận động đất mạnh 9,5 độ Richter.