Dòng hải lưu vùng Vịnh có thể sụp đổ vào năm 2025 dẫn đến khí hậu Trái đất rơi vào hỗn loạn. Những cơn bão sẽ "sinh sôi nảy nở" khắp thế giới.
Các nhà nghiên cứu dự đoán Dòng Hải lưu Kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC) có thể sụp đổ bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2095, sớm hơn nhiều so với những ước tính trước đó.
AMOC là một dòng chảy, chúng chi phối khí hậu Trái đất bằng cách đưa các vùng nước nhiệt đới, ấm áp lên phía bắc và vùng nước lạnh về phía nam.
Đây là một hệ thống hải lưu quan trọng giúp điều chỉnh khí hậu của Bắc bán cầu, nhưng nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào từ năm 2025 và gây ra sự hỗn loạn khí hậu.
Các nhà nghiên cứu cho biết, AMOC có thể sụp đổ hoàn toàn từ năm 2025 đến năm 2095, khiến hệ sinh thái đại dương thay đổi hoàn toàn, nhiệt độ giảm mạnh và những cơn bão "sinh sôi nảy nở" trên khắp thế giới.
AMOC tồn tại ở hai trạng thái ổn định bao gồm một trạng thái mạnh, nhanh và trạng thái ngược lại là chậm, yếu.
Các nghiên cứu trước đây dự đoán, dòng hải lưu có thể sẽ chuyển sang chế độ yếu vào thời điểm nào đó trong thế kỷ tới. Nhưng biến đổi khí hậu do con người gây ra có thể sớm đẩy AMOC đến sự sụp đổ.
Giáo sư Susanne Ditlevsen, Đại học Copenhagen (Đan Mạch), tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Sự sụp đổ của AMOC có thể sẽ xảy ra sớm hơn nhiều so với dự kiến, do con người đang phát thải khí nhà kính ở mức báo động".
AMOC giống như hệ thống băng tải toàn cầu
Các dòng chảy của Đại Tây Dương hoạt động giống như một băng chuyền toàn cầu vô tận, chúng di chuyển oxy, chất dinh dưỡng, carbon và nhiệt trên Trái đất.
AMOC giống như một "băng tải" với các dòng hải lưu trên bề mặt được thể hiện bằng màu đỏ và các dòng chảy sâu có màu xanh lam. (Ảnh: Live Science).
AMOC khiến dòng nước ấm, mặn và đậm đặc hơn ở phía nam chảy về phía bắc để làm mát và chìm xuống dưới các vùng nước ở vĩ độ cao hơn, giải phóng nhiệt vào khí quyển.
Sau đó, dòng chảy này từ từ di chuyển về phía nam và nóng trở lại, quá trình này diễn ra theo chu kỳ. Nhưng biến đổi khí hậu toàn cầu đang làm chậm hoạt động của dòng chảy.
Bên cạnh đó, nước ngọt từ các tảng băng tan chảy làm cho dòng chảy ít đậm đặc và giảm mặn, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra dòng hải lưu này đang ở mức yếu nhất trong 1.000 năm qua.
Khu vực gần Greenland, nơi các vùng biển phía nam chìm xuống (được gọi là dòng hải lưu cận cực) giáp với một mảng, đang có nhiệt độ thấp kỷ lục. Trong khi, nhiệt các vùng biển xung quanh tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, tạo thành một "đốm" nước lạnh ngày càng mở rộng.
Lần cuối cùng AMOC chuyển chế độ là trong kỷ băng hà Đệ Tứ, cách đây khoảng 2 triệu năm, khí hậu gần Greenland đã tăng 10-15 độ C trong vòng một thập kỷ. Nếu dòng chảy này sụp đổ, nhiệt độ ở Châu Âu và Bắc Mỹ có thể giảm tới 5 độ C.
Các nhà khoa học đã xây dựng một mô hình thống kê để đánh giá sức mạnh giảm dần và khả năng phục hồi dòng hải lưu dựa trên những biến động ngày càng tăng của nó qua từng năm.
Kết quả khiến nhóm nghiên cứu lo lắng, sự sụp đổ của hệ thống này có thể bắt đầu sớm nhất là vào năm 2025 và có nhiều khả năng xảy ra đến cuối thế kỷ 21.
Giáo sư khí hậu Peter Ditlevsen, Viện Niels Bohr, Copenhagen (Đan Mạch) chia sẻ: "Kết quả này khiến tôi lo sợ, bởi vì kịch bản cho sự sụp đổ này đang quá gần và AMOC rất quan trọng đối với khí hậu Trái đất nên chúng tôi phải hành động ngay lập tức".
Nhiều nhà hải dương học và chuyên gia khí hậu đã đưa ra những đánh giá về nghiên cứu, đây là một cảnh báo đáng lo ngại.
Nhưng họ đã dội một gáo nước lạnh vào những phát hiện này cho rằng, nghiên cứu hoàn toàn không rõ ràng và thiếu sự chắc chắn.
"Mặc dù mô hình của nhóm nghiên cứu khá thực tế, nhưng nền tảng vật lý của nó lại cực kỳ lung lay, đơn giản là chúng ta không biết và không có cuộc thảo luận nghiêm túc nào để trao đổi về những thiếu sót của mô hình mà các nhà khoa học đưa ra", Jochem Marotzke, giám đốc Viện Khí tượng Max Planck, Hamburg (Đức) chia sẻ.
Nghiên cứu được công bố ngày 25/7 trên tạp chí Nature Communications.