Các nhà khoa học cảnh báo tới năm 2020, lượng động vật hoang dã chỉ còn có hơn 1/3 so với hồi năm 1970 với tốc độ suy giảm đang nằm ở mức 2% mỗi năm và không có dấu hiệu chậm đi. Nếu mọi chuyện cứ tiếp tục diễn ra theo chiều hướng như thế thì không còn lâu nữa, sẽ có rất nhiều loài động vật mà con cháu chúng ta chỉ còn có thể biết tới qua sách báo hoặc mẫu vật trong viện bảo tàng. Nghiêm trọng hơn, chính con người chúng ta cũng là loài chia sẻ môi trường sống trên Trái Đất và sự tồn vong của nhân loại chắc chắn cũng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Cụ thể, các nhà khoa học tại Quỹ bảo vệ động vật hoang dã (WWF) đã tiến hành tái thống kê dựa trên 14.152 quần thể của 3706 loài động vật có vú, chim, cá, lưỡng cư và bò sát trên khắp thế giới. Kết quả cho thấy tính tới 2012, lượng động vật hoang dã đã giảm 58% so với hồi năm 1970 với mức giảm bình quân là 2%. Không hề có dấu hiệu chậm lại của sự suy giảm và do đó, tới năm 2020, các quần thể động vật có xương sống có thể sẽ giảm 67% nếu không có những biện pháp đảo ngược tình hình.
Voi châu Phi tại Tanzania đã bị suy giảm cực kỳ nghiêm trọng về số lượng do nạn săn bắt.
Những số liệu thu được không khỏi dấy lên lo ngại của các nhà khoa học về một đợt "tuyệt chủng hàng loạt" diễn ra trên toàn cầu - sự kiện giống như hồi xưa khủng long đã tuyệt chủng và biến mất khỏi Trái Đất. Không chỉ tàn phá về môi trường sống mà nạn săn bắt trộm cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng động vật hoang dã.
Điển hình như loài voi châu Phi tại Tanzania đã bị suy giảm cực kỳ nghiêm trọng về số lượng do nạn săn bắt. Tương tự, loài sói bờm ở Brazil cũng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng do khai thác đất canh tác hay loài lươn châu Âu cũng sắp biến mất do bệnh dịch, nạn đánh bắt quá mức và sự thay đổi môi trường sống.
Có thể thấy sự suy giảm số lượng cá thể ở các loài động vật hoang dã có tác động không nhỏ của việc xâm lấn môi trường sống, tận thu đất nông nghiệp, nạn đánh bắt cá, hoạt động khai thác mỏ và nhiều tác động khác của con người. Mặt khác, quần thể động vật cũng chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khi hậu, ô nhiễm và khai thác tài nguyên quá mức.
Lươn châu Âu cũng sắp biến mất do bệnh dịch, nạn đánh bắt quá mức.
Không chỉ có những loài động vật hoang dã mới bị ảnh hưởng mà chính con người cũng là "nạn nhân" trong điều kiện ngày càng tệ của tự nhiên mà đây lại vốn là nguồn cung cấp khí thở, nước uống hay thức ăn cho con người. Trong khi số lượng trung bình động vật hoang dã đang ngày càng suy giảm nhưng vẫn có những loài thuộc một số điều kiện sống có sự tăng trưởng về quần thể. Một số loài có vú sống trên đồng cỏ ở Châu Phi đã có sự tăng trưởng nhẹ từ năm 2004 nhờ vào nỗ lực bảo tồn. Dù vậy, số lượng chim tại đây vẫn tiếp tục giảm.
Về tổng thể, số lượng những loài sống trên cạn vốn phân bổ từ đồng cỏ cho tới rừng rậm đã bị suy giảm 2/5 tính từ năm 1970. Tệ hơn, những loài động vật nước ngọt bị giảm tới 4/5 chỉ trong giai đoạn 1970 - 2012. Quần thể sinh vật ở những vùng ngập nước có sự tăng nhẹ từ năm 2005 và sinh vật biển có sự ổn định về số lượng từ năm 1988. Tuy nhiên, báo cáo lần này cảnh báo rằng vẫn còn thực trạng đánh bắt khai thác quá mức đe dọa tới số lượng sinh vật biển.
Sói bờm ở Brazil cũng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng do khai thác đất canh tác.
Mike Barrett, giám đốc bộ phận khoa học và chính sách tại WWF cho biết: "Lần đầu tiên kể từ khi loài khủng long tuyệt chủng 65 triệu năm trước, chúng ta tiếp tục đối mặt với đợt tuyệt chủng hàng loạt đối với giới sinh vật hoang dã trên toàn cầu. Chúng ta đã xem nhẹ sự suy giảm của những loài sinh vật trong cuộc sống này mà không hề biết đó chính là thước đo những tác động của con người đối với chính môi trường sống của chúng ta. Loài người đã lạm dụng tài nguyên thiên nhiên, đẩy những loài không thể thay thế tới bờ vực tuyệt chủng, đe dọa sự ổn định khí hậu của chúng ta".
Ông cho rằng nếu những hành vi xâm phạm nghiêm trọng vào giới tự nhiên không được kiềm hãm hoặc chấm dứt thì không chỉ mất đi những loài sinh vật hoang dã mà chính con người cũng sẽ đối mặt tới nguy cơ diệt vong. Hy vọng rằng loài người sẽ cùng nhau có ý thức hơn với môi trường sống để hành tinh chúng ta mãi xanh. Nếu không, chẳng những con cháu chúng ta mai sau chỉ còn biết ngắm nhìn những loài động vật qua tranh ảnh, màn hình TV và thậm chí, sự tồn vong của chính chúng cũng không thể chắc chắn.