Những chuyến bay dài trong không gian, như hành trình tới sao Hỏa, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ ở người.
Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Rochester tại Mỹ thực hiện một nghiên cứu theo yêu cầu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để xem xét tác động của các bức xạ vũ trụ (các hạt mang điện tích trong không gian) đối với não động vật. Họ để những con chuột phơi nhiễm với bức xạ vũ trụ trong thời gian dài. Nhóm nghiên cứu liên tục thay đổi cường độ của các tia bức xạ để phù hợp với điều kiện trong môi trường không gian, Space Daily đưa tin.
Một phi hành gia làm việc bên ngoài Trạm Không gian Quốc tế trên quỹ đạo trái đất.
Sau đó các chuyên gia đánh giá khả năng ghi nhớ vật thể hoặc vị trí mà lũ chuột từng học thuộc trước khi thử nghiệm diễn ra. Kết quả cho thấy khả năng ghi nhớ của chúng giảm rõ rệt.
"Bức xạ vũ trụ có thể gây nên hiểm họa lớn đối với những phi hành gia tương lai. Nghiên cứu này chứng minh rằng, nếu con người phơi nhiễm với những luồng bức xạ trong một chuyến bay vũ trụ dài nào đó, như hành trình tới sao Hỏa, não sẽ thay đổi theo hướng chúng ta dễ mắc bệnh Alzheimer hơn", Michael O'Banion, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.
NASA muốn đưa người lên một thiên thạch xa xôi vào năm 2021 và tới sao Hỏa vào năm 2035. Thời gian để một phi thuyền bay tới sao Hỏa rồi trở về là khoảng ba năm.
Những hạt mang điện tích xuất hiện khắp nơi trong vũ trụ. Tuy nhiên, sự tồn tại của từ trường của trái đất khiến chúng không thể xâm nhập cơ thể người trên mặt đất và quỹ đạo thấp. Nhưng nếu phi hành gia rời khỏi quỹ đạo thấp, mức độ phơi nhiễm các hạt mang điện tích sẽ tăng vọt.