Chúng ta chẳng lạ lùng gì với nghề trồng lúa, dù cách thức canh tác có lạ kỳ như ruộng bậc thang đi chăng nữa. Thế nhưng các bạn có bao giờ nghĩ tới việc con người có thể trồng lúa trên biển? Trong tình hình nước biển mặn xâm lấn những đồng bằng châu thổ màu mỡ, có khi nào việc chuyển hẳn sang canh tác trên nền nước mặn lại là giải pháp hay?
Tận 70% lượng nước ngọt con người đang có được dùng vào việc canh tác. Dân số tăng ắt dẫn tới nhu cầu lương thực tăng, và ngành nông nghiệp đang ráo riết tìm những cách thức mới để sản xuất lương thực, tìm tới những khu vực ta chưa bao giờ cho rằng là diện tích trồng trọt khả thi.
Hai nhà khoa học trẻ, mới 24 tuổi nhìn ra biển lớn và cho rằng đây có thể trở thành vựa lúa khổng lồ. Họ thành lập nên công ty riêng để nghiên cứu điều bất khả thi này với dự định tạo nên trang trại nổi trên mặt biển vào năm 2021, với mô hình mẫu được dự kiến ra mắt cuối năm 2020 này.
Nhà khoa học đang làm việc trong phòng thí nghiệm.
Ngoài sức người, ngành nông nghiệp truyền thống còn cần phân bón, nước tới và những thứ hóa chất dùng riêng cho canh tác (thuốc trừ sâu hại, thuốc tăng trưởng, v.v…). Nước được dùng chủ yếu cho việc tưới, và một số giống lại đặc biệt ưa nước, phải được tưới tắm nhiều mới cho ra sản phẩm đạt yêu cầu. Lúa là một trong số nông sản cần nhiều nước nhất, và gạo là một trong những thực phẩm được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới.
Một vài con số về lúa để bạn dễ hình dung: có tới hơn 100 nước trồng lúa, sản xuất ra 700 triệu tấn gạo/năm và 90% số gạo đó xuất phát từ các nước Châu Á. Khoảng 3,5 tỷ người sống dựa vào gạo mỗi ngày; và vì tầm quan trọng đó, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm cách chỉnh sửa gene gạo để có được những sản phẩm hợp lý người ăn nhất và giàu dinh dưỡng nhất có thể.
Thí nghiệm trồn rau trên nước mặn.
Bên cạnh việc đưa thêm vitamin vào trong gạo (như Dự án Hạt gạo Vàng đưa vitamin A vào trong gạo), nhiều nghiên cứu khác còn tìm cách tăng khả năng quang hợp của cây lúa và khả năng chống chịu hạn hán, bên cạnh đó giảm khí thải mà cây lúa đưa ra môi trường. Nhưng công ty Agrisea đang tìm tới một hướng khác.
Bằng phương pháp chỉnh sửa gene để tăng khả năng chống chịu mặn, Agrisea thử nghiệm trồng lúa trên mặt nước biển. Thứ gạo mới này có thể sinh trưởng trên nước biển mà không cần đất, phân bón hay nước ngọt. Thay vì đưa gen loài khác vào cây lúa, nhóm nghiên cứu nhắm tới việc chỉnh gen điều tiết khả năng bài muối của cây lúa, các gen cô lập tế bào và bảo vệ ADN của cây.
“Những gene này được liên kết với nhau và hoạt động thành một mạng lưới thống nhất”, Luke Young, CEO và đồng sáng lập Agrisea cho hay. “Chúng tôi chỉ khuyến khích chúng theo cách tự nhiên, để cây có thể sống trong môi trường mặn”. Hai nhà sáng lập Agrisea giải thích rằng họ có thể phối giống có chọn lọc để tạo ra cây lúa mong muốn, nhưng việc chỉnh sửa gen sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Ngoài gạo, Agrisea đang nhắm tới ngô, lúa mì, lúa mạch, đậu nành và nhiều loại rau khác nữa.
Hiện tại, Agrisea nói rằng họ đã liên hệ với những nước sản xuất và tiêu thụ gạo lớn của thế giới, mong muốn thử nghiệm mô hình vựa lúa nổi trên biển. Bên cạnh việc cung cấp lương thực, nhóm nghiên cứu mong muốn cây lúa của họ còn có thể đóng vai trò của một hệ thống lọc nước đặt tại cửa sông, tận dụng dưỡng chất thừa thải từ nước canh tác trong đất liền ra biển. Agrisea sẽ còn thử nghiệm trồng giống lúa này lên đất nhiễm mặn.
Nhóm nghiên cứu đã nhận về tổng cộng 1 triệu USD tiền vốn góp, và số tiền (sẽ còn tăng) đó sẽ còn được đổ vào việc đầu tư các giống thực vật khác ngoài lúa; Agrisea đang nhắm tới ngô, lúa mì, lúa mạch, đậu nành và nhiều loại rau khác nữa.