Sáng 14/6 tại Hà Nội, Intel, Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAid) đã ký kết biên bản ghi nhớ cùng hợp tác thử nghiệm WiMAX tại tỉnh Lào Cai. Tỉnh Lào Cai được chọn triển khai thử nghiệm công nghệ không dây băng thông rộng nhằm cung cấp khả năng tiếp cận thông tin, truyền thông hiện đại trên thế giới cho những khu vực vùng sâu, vùng xa.
Theo thoả thuận này, cùng với tỉnh Lào Cai và các đối tác địa phương, 3 bên sẽ hợp tác với nhau triển khai thử nghiệm công nghệ WiMAX trong thời gian 8 tháng (bắt đầu từ tháng 7/2006), trong đó sử dụng một trạm phát chính và 18 trạm kết nối dân dụng tại tỉnh Lào Cai. Các chương trình khác cũng đang trong giai đoạn lập kế hoạch sử dụng vệ tinh để kết nối, mở rộng WiMAX đến những vùng xa khó đến bằng đường bộ.
Đánh giá về chương trình này, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết: “Chúng tôi tin tưởng việc triển khai thử nghiệm WiMAX ở Lào Cai sẽ thành công và trở thành mô hình để triển khai ở những vùng sâu, vùng xa khác để góp phần nâng cao đời sống nhân dân. VNPT cam kết hỗ trợ toàn diện để triển khai dự án. Chính người dân là những người được hưởng lợi. WiMax sẽ giúp kết nối thành thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp.”
Ông Gerry Greeve, Phó Chủ Tịch phụ trách nhóm Truyền Thông của Intel phát biểu: “Intel tin tưởng rằng công nghệ WiMAX có thể giúp Việt Nam trở thành một quốc gia năng động về kinh tế và xã hội. Chúng tôi phối hợp cùng với Chính phủ và các cơ quan công nghệ môi trường để nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ và đạt được thành quả kỹ thuật số nhờ chiến lược triển khai công nghệ băng thộng rộng không dây hiện đại và đồng bộ. Việc triển khai cũng sẽ trợ giúp Việt Nam và các đối tác vươn tới tầm cao của Đông Nam Á số, đưa Đông Nam Á trở thành khu vực có tính cạnh tranh toàn cầu. Kết nối Internet tốc độ cao giúp thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn.”
Các bên tham gia thử nghiệm trả lời phỏng vấn báo giới. |
Ông Tim Beans, Giám đốc Phát triển khu vực châu Á (RDMA) của USAID cho biết: “Trong suốt một thập kỷ đổi mới nền kinh tế xã hội, chương trình phát triển con người của Việt Nam đã giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 33%. Trong thập kỷ tới, Công nghệ thông tin và truyền thông cùng với khả năng tiếp cận nền tri thức thế giới sẽ là chìa khóa để Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, trở thành một quốc gia có nền kinh tế cạnh tranh cao. Việc trang bị các công nghệ hàng đầu trong cả khu vực tư nhân và nhà nước tại Việt Nam hiện nay đang ngày càng tạo ra nhiều cơ hội việc làm và trở nên thịnh vuợng trong tương lai khi thị trường khu vực và quốc tế tăng trưởng và phát triển.
Theo ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc VDC: ”Chúng tôi sẽ đánh giá toàn diện việc thử nghiệm này, không đơn thuần chỉ là mặt công nghệ, mà còn có hiệu quả của dự án với cộng đồng, khả năng ứng dụng của các dịch vụ,… VDC mong muốn biến Việt Nam thành trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông của khu vực Đông Nam Á bằng cách đưa cả nước vào thời đại băng thông rộng, gia tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu, mở ra những cơ hội công bằng làm biến chuyển cơ bản cuộc sống và kinh tế.”
Cũng theo ông Liên, khách hàng đang kỳ vọng rất nhiều vào Mobile WiMAX, do đó, ở giai đoạn tiếp theo sẽ tiến hành thử nghiệm lĩnh vực này.
Theo ông Phạm Anh Chiến, Trưởng Phòng Tích hợp Hệ thống của VDC, việc thử nghiệm WiMAX tại Lào Cai được thực hiện ở tần số từ 3.3 đến 3.4 Ghz. Trong 18 điểm được khảo sát, lựa chọn có 6 trường học, các cơ sở y tế, UBND, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt có một hộ gia đình nông dân chưa có điện thoại hay kết nối Internet cũng được lựa chọn để thử nghiệm WiMAX. Qua đó, hộ gia đình này có thể liên lạc với con hiện đang công tác xa nhà. Các bên lựa chọn Lào Cai để thử nghiệm là do đây là nơi vùng sâu, vùng xa, còn rất nhiều điểm lõm về CNTT, viễn thông.
Cũng theo ông Chiến, các điểm được lựa chọn sẽ được trang bị cá máy tính, thiết bị, điện thoại VoIP, Wifi. Ở giai đoạn đầu tiến hành thử nghiệm dịch vụ thoại và Internet.
Chương trình thử nghiệm WiMAX sẽ chứng tỏ được những ích lợi về mặt kinh tế và phát triển xã hội của việc mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến như dịch vụ điện thoại VoIP (công nghệ truyền tiếng nói qua giao thức Internet), và hỗ trợ internet hiện đại cho nhà trường, trạm xá, các cơ sở đào tạo và dạy nghề, các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương, khách sạn và những nhu cầu xã hội khác – đồng thời hỗ trợ những dịch vụ công cộng ưu tiên của chính quyền địa phương.
Sự hợp tác này cũng là một phần của Chương trình băng thông rộng châu Á (Asian Broadband Campaign - ABC) của Intel, một chương trình áp dụng trên toàn khu vực nhằm đẩy nhanh việc triển khai băng rộng không dây tại các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Intel sẽ cung cấp kiến thức sâu rộng về băng thông rộng không dây, công nghệ silicon và các dịch vụ công nghệ cho các chính phủ, những nhà quản lý thông tin liên lạc, các cơ quan thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế và nông nghiệp cũng như những nhà cung cấp viễn thông nhằm giúp chuẩn bị và thực hiện thử nghiệm công nghệ WiMAX. So với công nghệ có dây thì mạng không dây có chi phí thấp và xây dựng nhanh hơn, do đó những nhà cung cấp dịch vụ có thể linh động hơn trong việc mang đến cho các cộng đồng thiếu dịch vụ này một nền “kinh tế tri thức” hiện đại toàn cầu với mức chi phí vừa phải.
Đôi nét về công nghệ WiMAX
Công nghệ WiMAX, hay còn gọi là chuẩn 802.16 là công nghệ không dây băng thông rộng đang phát triển rất nhanh với khả năng triển khai trên phạm vi rộng và được coi là có tiềm năng to lớn để trở thành giải pháp “dặm cuối” lý tưởng nhằm mang lại khả năng kết nối Internet tốc độ cao tới các gia đình và công sở.
Trong khi công nghệ quen thuộc Wi-Fi (802.11a, b và g) mang lại khả năng kết nối tới các khu vực nhỏ như trong văn phòng hay các điểm truy cập công cộng hotspot, công nghệ WiMAX có khả năng phủ sóng rộng hơn, bao phủ cả một khu vực thành thị hay một khu vực nông thôn nhất định. Công nghệ này có thể cung cấp với tốc độ truyền dữ liệu đến 75 Mbps tại mỗi trạm phát sóng với tầm phủ sóng từ 2 đến 10 km. Với băng thông như vậy, công nghệ này có đủ khả năng để hỗ trợ cùng lúc (thông qua một trạm phát sóng đơn lẻ) khả năng kết nối của hơn 60 doanh nghiệp với tốc độ kết nối của đường T1/E1 và hàng trăm gia đình với tốc độ kết nối DSL.
L.Quang