Số lượng xác người chết khan hiếm khiến việc đào tạo tay nghề phẫu thuật cho các bác sỹ vô cùng khó khăn. Đó là lý do, giới y khoa và các nhà khoa học đang tính đến việc ứng dụng công nghệ VR để thực hành phẫu thuật.
Xác chết hiến tặng phục vụ cho y học không phải lúc nào cũng có sẵn. Trong khi đó, giới y học đang rất cần chúng để phục vụ cho hoạt động đào tạo và giải phẫu cơ thể người.
Công nghệ VR sẽ trợ giúp đắc lực trong đào tạo sinh viên hoặc chuyên gia giải phẫu.
Đứng trước vấn đề cấp bách này, các nhà khoa học đã đề xuất sử dụng giải pháp công nghệ bao gồm ứng dụng VR trong giải phẫu cơ thể người.
Đại học Y Montpellier, Pháp, Artec 3D và công ty IMA Solutions đã cùng nhau hợp tác trong một dự án đặc biệt. Các bên mong muốn sử dụng công nghệ quét 3D mới nhất và công nghệ thực tế ảo để tạo ra xác người trong môi trường ảo.
Những xác chết này sẽ trợ giúp đắc lực trong đào tạo sinh viên hoặc chuyên gia giải phẫu mà không nhất thiết phải tiếp xúc với xác chết. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch phát triển ứng dụng VR và sẽ phát hành vào cuối năm nay.
Theo Digital Trends, hai bác sỹ phẫu thuật từ phòng thí nghiệm giải phẫu thuộc Đại học Y khoa Montpellier gồm tiến sỹ Guillaume Captier và Mohamed Akkari đã đưa ra ý tưởng tạo ra một ứng dụng VR để trợ giúp các sinh viên y khoa có thể thực hành mổ xẻ các cơ quan trong môi trường ảo trước khi thực nghiệm trên cơ thể người.
Xác chết trong ứng dụng là hình ảnh quét 3D từ xác của một người thật do máy quét Artec Space Spider 3D cung cấp.
Ứng dụng VR gồm có chế độ thực hành và cũng là chế độ kiểm tra cho các giáo sư. Trong chế độ thực hành, người dùng có thể chọn một bộ phận để giải phẫu. Tất nhiên sinh viên sẽ được cung cấp đầy đủ kiến thức và hướng dẫn phẫu thuật. Ở chế độ kiểm tra, sinh viên sẽ cần phải trả lời các câu hỏi và thể hiện trình độ phẫu thuật. Khi một sinh viên vượt qua được chế độ thực hành, họ sẽ có đủ năng lực và kinh nghiệm để mổ trên xác người thật.
Xác chết trong ứng dụng là hình ảnh quét 3D từ xác của một người thật do máy quét Artec Space Spider 3D cung cấp. Theo Andrei Vakulenko, giám đốc kinh doanh tại Artec 3D, quá trình quét sẽ đòi hỏi phải thực hiện rất nhanh vì những thay đổi trên cơ thể xác chết xảy ra liên tục. Hơn hết những hình ảnh được hiển thị trong ứng dụng VR phải nhất quán nên không thể chắp vá các bộ phận được.
Hiện tại ứng dụng VR vẫn đang tiếp tục được phát triển và hoàn thiện thêm. Các nhà nghiên cứu mong muốn đem tới hình ảnh chân thực và tốc độ làm mới khung hình thời gian thực 3D cao hơn. Đặc biệt đi kèm với ứng dụng VR phải có những công cụ phản hồi xúc giác đủ tốt để đem tới cảm giác chân thực khi phẫu thuật trong thực tế.