Các nhà sử học Trung Quốc cho hay, nếu bạn vẫn tin rằng người xưa chỉ cần cầm vài lượng bạc là có thể vào quán trọ thuê phòng thì bạn đã bị các bộ phim lừa dối.
Trong trí nhớ của những người hâm mộ các bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc, chúng ta thường thấy cảnh một người bước vào quán trọ, đặt 2 cục bạc lên bàn và nói: "Tiểu nhị, cho ta một phòng nghỉ". Ngay sau đó, Tiểu nhị sẽ hô to: "Dạ, có ngay, xin mời quan khách". Chính hình ảnh này đã khiến chúng ta cho rằng, người xưa chỉ cần cầm tiền trong tay là có thể thuê phòng tại bất cứ quán trọ nào. Thế nhưng, các nhà sử học Trung Quốc đã phản bác rằng cảnh tượng như vậy tuyệt đối không thể xảy ra. Vì sao họ lại khẳng định như vậy?
Các quán trọ đều do triều đình quản lý
Quán trọ đầu tiên được mở ra là vào thời nhà Chu. (Ảnh: Sohu).
Từ các ghi chép lịch sử cho thấy, các quán trọ sớm nhất được xây dựng là vào thời nhà Chu. Ở thời đó, các quán trọ được gọi tên khác với bây giờ. Vua nhà Chu quy định rằng, trên các con đường cứ mười dặm phải dựng lên một "lu" tức là một gian phòng nhỏ để nghỉ chân. Cứ ba mươi dặm phải có một "phòng đường" là một nơi có thể dùng để che nắng che mưa. Và cách 50 dặm phải có một "sảnh chờ" cũng tức là một quán trọ để ở.
Các quán trọ ở thời nhà Chu đều do triều đình quản lý. Hơn nữa, triều đình cũng quy định rằng chỉ có quan chức mới được sử dụng quán trọ, dân thường không có liên quan gì tới vấn đề này.
Tới thời nhà Đường và nhà Tống, các quán trọ của tư nhân mới được triều đình chấp thuận. (Ảnh: Sohu).
Sau này, tới thời nhà Đường và nhà Tống, kinh tế của đất nước ở các thời này rất thịnh vượng, lúc này các quán trọ của tư nhân đã được triều đình chấp thuận. Ngoài ra, ở thời này, triều đình tổ chức nhiều kỳ thi, các sĩ tử phải di chuyển từ quê nhà lên kinh thành nên việc xây dựng các nhà trọ ven đường để họ dừng chân nghỉ ngơi là rất cần thiết.
Tuy nhiên, người dân muốn thuê phòng trong các quán trọ cần phải thực hiện tới 7749 bước mới xong. Đó những thủ tục gì?
3 việc cần làm để thuê phòng trong quán trọ
Ở thời phong kiến xưa, mặc dù không có công nghệ hiện đại như bây giờ, các vị hoàng đế vẫn có nhiều cách để quản lý người dân. Bởi nếu không làm như vậy, đất nước sẽ khó lòng đảm bảo an ninh trật tự. Do đó, ở thời đại này, việc đi lại của người dân được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Thậm chí, triều đình còn lập hẳn một hệ thống quản lý việc di chuyển của người dân. Họ cần phải hoàn thành 3 việc dưới đây mới có thể thuê phòng trong quán trọ.
Người dân muốn thuê phòng trong quán trọ phải có "thẻ căn cước". (Ảnh: Sohu).
Thứ nhất, người dân phải có "thẻ căn cước". Cụ thể, đây là một loại giấy tờ chứng minh danh tính của một người. Cũng giống như căn cước công dân của chúng ta bây giờ, loại giấy tờ này có chứa thông tin họ tên, quê quán, ngày tháng năm sinh và nơi ở của người đó. Bất cứ ai, khi đi ra ngoài, họ đều cần phải cầm theo "thẻ căn cước" này.
Thứ hai, người dân phải có "giấy giới thiệu" của huyện nha. Người dân khi có nhu cầu di chuyển, họ cần phải đến huyện nha xin cấp một tờ "giấy giới thiệu". Tờ giấy này bắt buộc phải mang theo người và trình ra trước khi thuê phòng ở quán trọ. Trên "giấy giới thiệu", huyện nha đã ghi rõ họ tên, các thông tin của người dân cũng như nơi đến của họ.
Thông tin của khách thuê quán trọ sẽ được điền vào "sổ kho". (Ảnh: Sohu)
Thứ ba, người dân phải điền thông tin vào "sổ kho". "Sổ kho" này do phía quán trọ quản lý. Người chủ quán trọ phải chuẩn bị một quyển sổ để cập nhật thông tin khách thuê phòng. Thông tin trong sổ này gồm tên, nguyên quán, nghề nghiệp, quê quán… của người khách. Cuối mỗi tháng, chủ nhà trọ sẽ nộp "sổ kho" này lên triều đình.
Các quán trọ xưa không như phim ảnh
Trong các bộ phim, chúng ta thường thấy các căn phòng trong quán trọ đều có đầy đủ các vật dụng cần thiết cho khách thuê sử dụng. Nhiều người thậm chí còn ở lỳ trong phòng nhiều ngày không cần ra ngoài. Thế nhưng, các quán trọ thời xưa khác hẳn với trong phim.
Phòng trong các quán trọ được sắp xếp đồ đạc tùy thuộc vào số tiền mà khách thuê có. (Ảnh: Sohu)
Khách thuê phòng sau khi hoàn thiện 3 thủ tục kể trên, họ có thể nhận phòng. Các phòng trọ được sắp xếp vật dụng khác nhau tùy thuộc vào số tiền mà khách thuê có.
Ví dụ, vào thời nhà Tống, phòng thuê cao cấp nhất được gọi là "phòng trưởng". Căn phòng này không chỉ có diện tích lớn nhất, nó còn được bày biện bằng các vật dụng đắt tiền và đầy đủ nhất. Người ở phòng này cũng được hưởng các dịch vụ đi kèm như báo thức miễn phí, nước ấm để sử dụng. Có thể nói, "phòng trưởng" được thiết kế để tạo cho khách thuê cảm giác như đang ở nhà.
Các mức tiền thấp hơn, khách thuê phòng có thể chọn các hạng phòng tương ứng.