Đười ươi, chứ không phải tinh tinh, là họ hàng gần gũi nhất của con người

Các bằng chứng trong nghiên cứu của trường Đại học Pittsburgh và Viện bảo tàng khoa học Buffalo đã khẳng định thuyết nguồn gốc cho rằng con người có chung một tổ tiên với đười ươi (orangutan). Trong báo cáo công bố ngày 18/6 vừa qua trên tờ Journal of Biogeography, các tác giả nghiên cứu đã phát biểu rằng lý thuyết phổ biến trước đây cho rằng con người có quan hệ họ hàng gần gũi với tinh tinh nhất chỉ dựa trên phân tích ADN và không hề có bất kỳ bằng chứng hóa thạch nào cần được xem xét lại.

Jeffrey H. Schwartz, giáo sư nhân chủng học thuộc đại học Pittsburgh, cùng John Grehan, giám đốc khoa học bảo tàng Buffalo, đã tiến hành một nghiên cứu chi tiết về các đặc điểm cơ thể của khỉ không đuôi hóa thạch và khỉ không đuôi ngày nay để đi tới kết luận rằng loài người, đười ươi, và vượn không đuôi sơ khai đều thuộc về một nhóm tách bạch với tinh tinh và gorilla. Sau đó họ xây dựng một giả thuyết về quá trình tổ tiên chung của người và đười ươi di cư giữa Đông Nam Á - nơi đười ươi hiện tại sinh sống - và các phần khác của thế giới và dần tiến hóa thành khỉ không đuôi đã tuyệt chủng và loài người sơ khai.

Nghiên cứu cung cấp các bằng chứng rõ nét hơn về mối quan hệ giữa người và khỉ không đuôi mà trước đây Schwartz từng nêu ra trong cuốn "The Red Ape: Orangutans and Human Origins, Revised and Updated" (tạm dịch là "Khỉ không đuôi đỏ: đười ươi với nguồn gốc loài người, tổng kết và cập nhật") (nhà xuất bản Westview Press, năm 2005).

Các bằng chứng mới khẳng định thuyết nguồn gốc, rằng con người có quan hệ gần gũi nhất với đười ươi. (Ảnh: iStockphoto/Derek Dammann)

Schwartz và Grehan đã xem xét kĩ lưỡng hàng trăm đặc điểm cơ thể được coi là bằng chứng tiến hóa giữa con người và khỉ không đuôi cỡ lớn - tinh tinh, gorilla, và đười ươi - và lựa chọn ra 63 đặc điểm được coi là đặc trưng và duy nhất trong nhóm này, tức không xuất hiện ở bất kỳ động vật linh trưởng nào khác). Trong số đó, qua phân tích cho thấy con người có chung 28 đặc điểm đặc trưng với đười ươi, 2 đặc điểm đặc trưng chung với tinh tinh, 7 với gorilla, và 7 với cả 3 loài này. Gorilla và tinh tinh có chung với nhau 11 đặc điểm đặc trưng chung.

Sau đó, Schwartz và Grehan kiểm tra 56 đặc điểm đặc trưng chung của nhóm gồm người hiện đại, hóa thạch động vật họ người - người tổ tiên, ví dụ như Australopithecus - và khỉ không đuôi hóa thạch. Họ phát hiện ra rằng đười ươi có chung 8 đặc điểm với người sơ khai và Australopithecus, chung 7 đặc điểm với riêng Australopithecus. Sự tồn tại các đặc điểm của đười ươi trên cơ thể Australopithecus tương phản với kết quả thu được từ phân tích ADN cho rằng người tổ tiên gần gũi nhất với tinh tinh. Trong khi đó, tinh tinh và gorilla chỉ có chung các đặc điểm với các loài khỉ không đuôi cỡ lớn.

Schwartz và Grehan đã tách riêng người, đười ươi, và khỉ không đuôi hóa thạch thành một nhóm, trong đó cả 3 loài đều có men răng dày. Họ gọi tinh tinh và gorilla là khỉ không đuôi Phi châu và viết trên tờ Biogeography rằng, mặc dù 2 loài này là bậc "anh chị" của động vật họ người có men răng dày, "khỉ không đuôi Phi châu có ít quan hệ họ hàng với con người hơn đười ươi và nhiều khỉ không đuôi hóa thạch khác."

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận, hóa thạch người sơ khai và khỉ không đuôi chủ yếu được tìm thấy ở châu Phi, trong khi đười ươi hiện đại lại được thấy ở Đông Nam Á. Để giải thích cho sự khác biệt này, họ đưa ra lý lẽ rằng có thể tổ tiên chung của người và đười ươi đã di cư giữa châu Phi, châu Âu và châu Á vào khoảng thời gian cách đây ít nhất 12 tới 13 triệu năm. Hóa thạch thực vật cho thấy rừng từng mở rộng từ nam Âu tới tận Trung Á và Trung quốc trước khi dãy Himalaya hình thành, Schwartz và Grehan đã viết như vậy khi nêu ý kiến rằng có thể động vật họ người có men răng dày đã từng lưu trú trên khắp khu vực rộng lớn này, tới khi bề mặt Trái đất và các hệ sinh thái bản địa thay đổi, các loài con cháu của chúng trở nên bị cách biệt với nhau về mặt địa lý.

Schwartz và Grehan so sánh giả thuyết này với một giả thuyết khác cho rằng con người có quan hệ họ hàng gần nhất với tinh tinh. Họ viết, do không có các hóa thạch hơn 500.000 năm tuổi của khỉ không đuôi châu Phi, một loạt các giả thuyết phức tạp được đưa ra để chứng minh rằng khỉ không đuôi châu Phi là hậu duệ của khỉ không đuôi sơ khai di trú từ châu Phi tới châu Âu. Theo đó, khỉ không đuôi châu Âu tách thành một loài tiếp tục di chuyển tới châu Á, và một loài quay trở lại châu Phi để sau này tiến hóa thành loài người và khỉ không đuôi hiện đại. Schwartz và Grehan cho rằng những giả thuyết này không đồng nhất với những bằng chứng hình thái học và địa sinh học hiện có.

Nhà cổ sinh vật - nhân chủng học Peter Andrews, từng là trưởng nhóm Nguồn gốc Con người tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Luân đôn, đồng tác giả cuốn "The Complete World of Human Evolution" (tạm dịch là "Thế giới Tiến hóa của Loài người") (nhà xuất bản Thames & Hudson, 2005), cho rằng Schwartz và Grehan đã cung cấp những bằng chứng hết sức thuyết phục để chứng minh cho giả thuyết của họ. Andrews không tham gia nhưng có hiểu biết sâu sắc về công trình của hai nhà nghiên cứu này.

"Họ có những bằng chứng hình thái học thuyết phục, chúng ta cần phải ghi nhận điều này, và nếu bây giờ lại nổ ra một cuộc tranh cãi giữa các nhà sinh học phân tử với các nhà hình thái học, họ sẽ có thêm nhiều lợi thế," Andrews nói. "Họ đang đi ngược lại với cách giải thích vốn vẫn được công nhận trước nay về mối quan hệ giữa loài người và khỉ không đuôi, và chắc chắn những kết luận của họ sẽ bị thử thách. Nhưng tôi hi vọng mọi thử thách sẽ được đặt ra với tính xây dựng, vì tiến bộ khoa học, bằng cách đặt ra các câu hỏi và kiểm tra các kết quả."

Schwartz và Grehan phát biểu trên tờ Journal of Biogeography rằng những đặc điểm cơ thể giống nhau rõ ràng giữa con người và đười ươi từ lâu đã bị lu mờ trước những phân tích phân tử liên hệ con người với tinh tinh, nhưng những so sánh phân tử này thường bị mắc lỗi: Không có bất kỳ lý thuyết nào nói rằng đặc điểm phân tử giống nhau là biểu hiện của quan hệ tiến hóa; các nghiên cứu phân tử thường bỏ qua đười ươi và tập trung vào một nhóm các động vật linh trưởng mà không có bất kỳ so sánh với loài nào khác ngoài nhóm; và các dữ liệu phân tử đi ngược lại với đặc điểm chung về gen thường bị loại bỏ.

"Họ đã nêu trúng những tồn tại của phân tích phân tử,"
Malte Ebach, nhà nghiên cứu của Viện quốc tế về Quan hệ Loài thuộc Đại học bang Arizona nói.

"Cổ sinh học - nhân chủng học là bộ môn chỉ dựa trên nghiên cứu hình thái, và không có căn cứ khoa học nào để cho rằng dữ liệu ADN chính xác hơn dữ liệu hình thái học. Tới nay, quan hệ họ hàng gần gũi giữa người và tinh tinh dựa trên dữ liệu phân tử đã được thừa nhận rộng rãi mà không có bất kỳ sự xem xét, kiểm nghiệm nào. Schwartz và Grehan không chỉ đưa ra một thuyết nguồn gốc mới giữa người và đười ươi, mà còn xác nhận lại một biện pháp thực hành khoa học quan trọng về phản biện dữ liệu."

Tham khảo:

John R. Grehan1 and Jeffrey H. Schwartz. Evolution of the second orangutan: phylogeny and biogeography of hominid origins. Journal of Biogeography, 2009 DOI: 10.1111/j.1365-2699.2009.02141.x

G2V Star (Theo ScienceDaily)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video