Hôm thứ tư tuần trước, Nga công bố đề án xây dựng một đường hầm nối liền Nga và Mỹ, cụ thể là Siberia với Alaska, qua eo biển Bering. Dự án này, chi phí khoảng trên 65 tỉ USD, sẽ tạo thành “con đường” dầu lửa, khí đốt, điện xuất khẩu sang Mỹ.
Đề án này do các công ty điện lực và đường sắt Nga hậu thuẫn. Trước mắt, Nga sẽ nghiên cứu phương cách nối liền hai bờ Tây và Đông bán cầu, mà khoảng cách gần nhất là 93km, trên một vùng băng giá.
Thật ra, ý nghĩ nối liền hai vùng “địa đầu” của thế giới đã được nêu ra từ thế kỷ 19, nhưng đã luôn bị cất hộc tủ, phần do điều kiện kỹ thuật lúc bấy giờ không thể thực hiện dự án vì đây là một vùng đất cực kỳ khắc nghiệt, phần do cả hai bên Nga và Mỹ đều không “hứng thú” gì trước kế hoạch này.
Lần này, đề án của Nga cũng nhằm những mục tiêu của Nga. Viktor Razbegin, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Bộ Thương mại và kinh tế Nga, cho biết: “Đây là chiến lược phát triển vùng đất này của chúng tôi. Đây là một vùng đất nghèo và nếu không có đường sắt thì khó tiếp cận những vùng này”. Vùng đất nghèo mà ông nói đến chính là huyện Chukotka, huyện cực bắc của nước Nga, cùng cả khu vực Siberia.
Alaska là một tiểu bang lớn nhất nước Mỹ nằm ở vùng cực bắc châu Mỹ. Mỹ có hai tiểu bang đặc biệt không nằm trên “lãnh thổ” Hoa Kỳ là tiểu bang Hawaii giữa Thái Bình Dương và Alaska gần Bắc cực. Muốn đến Juneau, thủ phủ tiểu bang Alaska, chỉ có hai cách là bằng máy bay và tàu thủy. Từ Alaska đến Washington, bang gần nhất, hơn 800km đường chim bay.
Mỹ đã mua vùng đất này từ Nga vào năm 1867. Vào thời điểm đó, Alaska và Siberia còn là “một” trong nước Nga. Nga hoàng Alexander II đang kình địch với hoàng gia Anh, lo ngại sẽ không bảo vệ được vùng đất địa đầu này nên đã ra lệnh cho đại sứ Nga tại Mỹ là Eduard de Stoeckl thương thuyết với ngoại trưởng Mỹ William Seward để nhờ Mỹ mua giùm Alaska, kẻo bị mất trắng vào tay quân Anh. Thương thuyết diễn ra trong đêm 30-3-1867, và đến 9 giờ sáng thì Nga đồng ý bán Alaska, diện tích 1.600.000km2 với giá 7,2 triệu USD, nếu tính theo thời giá hiện nay khoảng 1,67 tỉ USD!
Dư luận Mỹ, nhất là báo chí, lúc đó không hoan nghênh vụ mua bán này và gọi đây là “trò điên của (ngoại trưởng) Seward”, “vườn gấu bắc cực của (tổng thống) Andrew Johnson”. Tuy nhiên, đối với ngoại trưởng Seward, đây là cả một tính toán chiến lược. Alaska nằm sát bên Canada, lúc đó trực tiếp là lãnh thổ Anh. Mua lại Alaska giùm Nga còn là để cùng chống Anh, Nga đã từng giúp phe liên quân trong nội chiến Nam Bắc phân tranh của Hoa Kỳ, trong khi hoàng gia Anh thì đối đầu. Lễ chuyển giao được tổ chức vào ngày 18-10-1867. Chỉ 50 năm sau, 1917 và cho đến nay, người Nga phải ân hận vì vụ mua bán này.
Ngày 3-1-1959 Alaska chính thức thành tiểu bang 49 của Mỹ. Tên “Alaska” có thể xuất phát từ chữ Aleut Alaskax, theo cách đọc chữ Alyeska có nghĩa là “vùng đất không phải là đảo”. Theo báo cáo của Văn phòng quản lý đất đai Mỹ, khoảng 65% đất của Alaska do liên bang quản lý như rừng quốc gia, công viên quốc gia, khu bảo tồn động vật hoang dã. Bang Alaska quản lý khoảng 25%, phần còn lại do các sắc dân bản địa quản lý. Tư nhân chiếm chưa đến 1%. Vùng tây bắc là khu vực dự trữ dầu quốc gia chiếm 93.100km2. Do có vô số đảo nhỏ và Alaska là một dạng bán đảo nên tổng chiều dài bờ biển ở đây lên đến 54.720km.
Khí hậu Alaska thuộc vùng cận Bắc cực nên dựa vào thành phố Anchorage, một thành phố tiêu biểu của Alaska, trung bình hằng năm tuyết rơi dày 1,905m. Điểm nóng nhất cũng như lạnh nhất ở Alaska là Fairbanks. Mùa hè nhiệt độ gần 30oC và mùa đông là -52oC.
Do khí hậu khắc nghiệt và đường sá hiểm trở, đây vẫn là vùng hoang vắng do những nhóm nhỏ người bản địa sinh sống. Mãi cho đến thập niên 1890 cơn sốt tìm vàng trên vùng Yukon mới đưa những người khai khoáng đến định cư trên vùng đất mới này. Tuy vậy, tính đến nay dân số Alaska cũng chỉ khoảng 663.661 người (năm 2005). Khi nói đến Alaska, người ta thường nghĩ đến gấu trắng Bắc cực, cá hồi, cua vua (king crabe) hoặc những núi băng, do vậy du lịch Alaska cũng là một thế mạnh. Ở đây còn có những khu bảo tồn cá voi và hải cẩu.
140 năm trước, khi ngoại trưởng Seward ký mua lại Alaska, chẳng ai ngờ rằng sẽ có ngày các mỏ dầu ở Alaska chính là nguồn dự trữ chiến lược của Mỹ, và cũng là tiền đồn chiến lược cực bắc của Mỹ trước một nước Nga không còn là đồng minh từ 90 năm qua.
NGÔ ĐƯỢC