E-mail là công cụ học tập từ xa hiệu quả

Trong thời đại Internet, việc trao đổi thông tin với giáo viên không còn gói gọn ở vài tiết học nơi giảng đường. Bất cứ ở đâu và khi nào, một hộp thư điện tử bình thường cũng giúp cho việc tương tác giữa thày và trò trở nên dễ dàng và tiện lợi.

Chị Phạm Thị Bích Hạnh, học viên lớp cao học ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Mở bán công TP HCM, cho biết: “Những khi chưa nắm được bài giảng, gặp vấn đề trong học tập hoặc thậm chí là muốn tiếp tục đặt câu hỏi tranh luận về một đề tài đã qua, sinh viên có thể mạnh dạn gửi e-mail cho thày. Việc học vẫn tiếp tục bất kể không gian và thời gian, đó là ưu điểm rất lớn của giao tiếp qua hộp thư điện tử”.

Cũng theo chị Hạnh thì với những học viên đã đi làm, giờ giấc eo hẹp khiến việc họp nhóm hay phân công, thảo luận đề tài rất khó. Trong khi giao tiếp qua điện thoại khá tốn kém thì e-mail, chat giúp các thành viên tiết kiệm được nhiều thời gian và khối lượng thông tin chia sẻ cũng tăng đáng kể.

Hiện tại, ở hầu hết thành phố lớn, việc tiếp cận thế giới "world wide web" đã trở nên rất quen thuộc và các phương tiện liên lạc như e-mail, chat, VoIP… được sử dụng khá phổ biến. Đa số học viên chuyên ngành công nghệ thông tin (CNTT), những người làm việc thường xuyên trên mạng Internet... đều sở hữu ít nhất 1-2 hộp thư điện tử.

Trước đây không có máy tính thì xem như không thể làm việc, còn bây giờ không truy cập Internet thì chẳng khác gì không có máy tính. Việc check mail mỗi ngày và nhiều lần là một thói quen không thể bỏ, bất kể có hay không có thư, như một chứng bệnh nghiện”, thạc sĩ Trần Quốc Bình, cựu sinh viên trường Đại học Bách Khoa TP HCM, cho biết. “Việc liên lạc thường xuyên với giáo viên hướng dẫn giúp người học có nhiều thông tin hơn vì thày cung cấp tài liệu qua các đường link và file đính kèm rất thuận tiện. So với cách học truyền thống thì học qua e-mail hữu hiệu hơn, cũng có thể nó tiết kiệm được khá nhiều tiền photo”.

Hộp thư điện tử giúp tăng cường giao tiếp giữa thày và trò, cung cấp nhiều kênh thông tin và khá linh động về thời gian. Giảng đường không thể giải quyết hết tất cả đề tài tranh luận và e-mail đã hỗ trợ khắc phục tốt vấn đề này. Nó mang tính cá nhân hoá rất cao. Học viên càng có điều kiện tương tác với giáo viên thì mức độ thông tin nắm bắt càng nhiều”, tiến sĩ Nguyễn Hữu Lam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển quản trị, Đại học Kinh tế TP HCM, nhận xét. “Công cụ này đôi lúc khiến người dạy quá tải vì khối lượng công việc giải quyết quá nhiều, nhưng tôi ủng hộ việc giao tiếp qua hộp thư điện tử vì đó cũng là một trong những cách học rất tích cực của sinh viên hiện nay”.

Sự tương tác này không những tăng hiệu quả học tập mà còn tạo cơ sở cho mối quan hệ gần gũi, tốt đẹp giữa thày và trò. Với các giáo viên nữ, những dịp như 8/3, 20/10, 20/11 hay lễ Tết, hộp mail thường chứa đầy những lời chúc mừng và e-card. Còn những thày giáo trẻ, độc thân cũng được không ít sinh viên nữ ưu ái “thăm hỏi” thường xuyên. Rất nhiều giáo viên cung cấp địa chỉ e-mail và đề nghị học viên liên lạc qua phương tiện này, thay vì qua điện thoại di động vì công cụ mobile phone có thể gây phiền phức nếu giao tiếp không đúng lúc.

Ở các lớp học, địa chỉ e-mail là phương tiện liên lạc rất phổ biến. Ngoài hộp thư cá nhân, còn có hộp thư nhóm, lớp. E-mail lớp khá quan trọng vì được xem như diễn đàn chia sẻ và lưu trữ thông tin, kinh nghiệm học tập, đồng thời là nơi tiếp nhận thông báo, tài liệu giảng dạy từ giáo viên bộ môn, văn phòng khoa. Tuy nhiên, mức độ dùng phương tiện này xét trên tập thể lớp là chưa hoàn toàn phổ biến do một số sinh viên không có điều kiện tiếp xúc với Internet thường xuyên hoặc những học viên lớn tuổi rất ngại tìm hiểu những ứng dụng tin học.

Chị Hoàng Thị Ngọc Trinh thuộc diện "U-50", học viên một lớp cao học, cho biết: “Tôi sử dụng máy tính rất yếu và dĩ nhiên là sợ lắm những môn học đòi hỏi kỹ năng này. Địa chỉ e-mail của tôi do con gái tạo và kiểm tra mỗi ngày. Các bạn học cùng nhóm cũng thông tin giúp qua điện thoại những thông báo cấp bách. Yếu mảng này quả thật thua sút bạn bè nhiều lắm, nhưng nó… phức tạp và khó tiếp thu quá”.

Trong khi đó, thạc sĩ Trần Công Bình cho rằng: “Tôi thích học với các thày thường xuyên sử dụng Internet và cho phép giao tiếp qua e-mail vì có thể khai thác tối đa nguồn kiến thức mới, được cập nhật thường xuyên mà không bị giới hạn về thời gian. Hiện tại, có quá nhiều vị giáo sư không sử dụng được máy tính, đó là một thiệt thòi lớn của chính các vị ấy và cả sinh viên”.

Nhiều người đồng tình rằng, giao tiếp bằng e-mail chỉ mang lại kết quả tốt nhất khi cả hai phía thày và trò đều tích cực sử dụng phương tiện liên lạc này. Học từ xa qua Internet, E-learning hay E-mail đều khó có thể thay thế hoàn toàn cách học truyền thống, nhưng đây là phương tiện hỗ trợ rất tốt. Tăng cường tương tác cũng chính là cách nâng cao hiệu quả học tập.

Ngọc Hằng 

Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video