Nghị viện châu Âu vừa lên tiếng hậu thuẫn kế hoạch dự thảo cắt giảm lần lượt 50% và 80% lượng túi nylon được sử dụng vào năm 2017 và năm 2019, so với năm 2010.
Liên minh châu Âu (EU) ước tính mỗi công dân trong châu lục sử dụng bình quân gần 200 túi nylon/năm và có khoảng 8 tỷ túi được sử dụng và sau đó bị thải loại trong năm 2010, gây ô nhiễm môi trường.
Dự thảo kêu gọi các quốc gia thành viên tự lựa chọn sách lược phù hợp để giải quyết tình trạng này, chẳng hạn như đánh thuế đối với các loại túi nhựa, túi nylon, hạn chế hay cấm sử dụng chúng...
Tuy nhiên, trong khi các nhóm môi trường bày tỏ hoan nghênh thì nhiều đại diện đến từ các cơ sở sản xuất bao bì nylon lại phản đối quy định trên, bởi cho rằng, châu lục này cần nâng cao ý thức của người dân cũng như kiểm soát tốt hơn vấn đề rác thải, thay vì chỉ ban hành các quy định cấm mới.
Theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC), nhờ thực hiện biện pháp áp thuế đối với túi nylon, Đan Mạch đã trở thành quốc gia sử dụng túi nilon thấp nhất EU với con số trung bình là 4 túi/người/năm.
Trong khi đó, tại các quốc gia hiện chưa áp dụng biện pháp nào như Bồ Đào Nha, Ba Lan và Slovakia, con số này lên tới 466 túi/người/năm.
Các quy định dự thảo này sẽ được các bộ trưởng EU thảo luận và sẽ chuyển lên để Nghị viện châu Âu xem xét phê chuẩn vào nửa cuối năm nay.