Ngày 27/9/2018 đánh dấu 20 năm ngày thành lập của một trong những “gã khổng lồ công nghệ” lớn nhất thế giới hiện nay, Google. Từ chỗ chỉ là công cụ tìm kiếm trên Internet, giờ đây Google là hãng công nghệ mà mỗi người dùng Internet đều đang sử dụng ít nhất một công cụ hay dịch vụ do Google cung cấp.
Google được thành lập bởi hai nghiên cứu sinh của trường Đại học Stanford là Larry Page và Sergey Brin vào năm 1998, dù ý tưởng về công cụ này đã được hình thành vào đầu năm 1995, khi Larry Page đưa ra ý tưởng về một công cụ tìm kiếm có thể sắp xếp thứ hạng các trang web được tìm kiếm bằng cách dựa vào số lượng các trang web khác được liên kết đến trang web đó.
Sự ra đời của Google được xem là một trong những bước ngoặc quan trọng nhất trong lịch sử Internet. Sau 20 năm tồn tại và phát triển, không quá khi cho rằng Google đã làm thay đổi cuộc sống ngày nay, khi mà giờ đây, hầu như tất cả mọi người trong chúng ta, không ai không sử dụng đến công cụ tìm kiếm của Google hay một dịch vụ nào đó của Google ít nhất một lần trong ngày.
Hai nhà đồng sáng lập Larry Page (trái) và Sergey Brin bên trong garage nơi Google được ra đời.
Bi hài chuyện Google không biết chính xác ngày sinh nhật của mình
Ngày 4/9/1998, Larry Page và Sergey Brin, khi đó là 2 nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường đại học Stanford (Mỹ) đã cùng nhau lập ra công ty Google Inc. Ban đầu, Google chỉ là một dự án nghiên cứu của Page và Brin trong quá trình theo học nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Mặc dù được thành lập vào ngày 4/9, còn tên miền Google.com được đăng ký vào ngày 15/9/1998, nhưng Google thường chọn ngày 27/9 làm ngày kỷ niệm sinh nhật của mình.
Dường như, ngay cả ngay cả Google cũng không chắc công ty được thành lập vào ngày nào, bằng chứng là mỗi năm, Google lại tổ chức sinh nhật vào một ngày khác nhau.
Logo đặc biệt đầu tiên của Google được thay đổi lần đầu tiên vào ngày 27/9/2002.
Kể từ năm 2002, Google thường có thói quen thay đổi biểu tượng trên trang chủ của mình vào mỗi dịp đặc biệt và dĩ nhiên vào ngày thành lập công ty cũng không là ngoại lệ. Vào năm 2002, Google lần đầu tiên thay đổi biểu tượng trên trang chủ để chào mừng ngày thành lập công ty vào 27/9, tuy nhiên đến năm 2003, công ty lại làm điều này vào ngày 8/9 và sẽ không có gì đáng nói nếu như năm 2004, Google lại chọn ngày kỷ niệm thành lập là 7/9.
Đến năm 2005, Google chọn ngày 26/9 làm ngày kỷ niệm thành lập công ty và qua năm 2006, Google quay trở lại ngày 27/9, như ngày kỷ niệm năm 2002, để làm ngày sinh nhật của mình. Và kể từ năm 2006 đến nay, Google vẫn giữ nguyên ngày 27/9 như ngày chính thức thành lập công ty.
Google đã từng một lần lên tiếng giải thích lý do tại sao chọn ngày 27/9 để làm ngày thành lập công ty từ năm 2006 cho đến nay, đó là bởi vì ngày 27/9/2002 là ngày đầu tiên hãng thay đổi biểu tượng trên trang chủ để chào mừng ngày thành lập, cho nên muốn giữ ngày này như một cột mốc đáng nhớ.
Một vài sự thật thú vị về Google mà có thể bạn chưa biết:
- Cũng giống như nhiều hãng công nghệ lớn khác như Microsoft hay Apple, Google cũng được ra đời bên trong một gara ô tô.
- Tên sơ khai của Google là BackRub: Trong giai đoạn từ năm 1996 đến 1997, Sergey Brin và Larry Page xây dựng một công cụ tìm kiếm với tên gọi BackRub. Sau đó, dự án này đã được mở rộng thành Google của ngày nay.
Tên gọi Google là 1 cách chơi chữ cho từ “gooogol”, với ý nghĩa của số 1 kèm theo 100 số 0 đằng sau, với hàm ý nhiệm vụ của họ để tạo nên 1 số lượng vô hạn các nguồn tài nguyên trên trang web của mình. Và thực sự họ đã làm được.
- Trên thực tế, ban đầu Sergey Brin và Larry Page dự định đặt tên gọi “Googol” cho công cụ tìm kiếm của mình. Tuy nhiên các nhà đầu tư trong khi điền séc để đầu tư vào công ty này đã điều sai tên thành “Google”. Và cái tên này tồn tại cho đến ngày nay.
- Cả Larry Page lẫn Sergey Brin đều không giỏi trong việc thiết kế cũng như sử dụng ngôn ngữ lập trình web HTML, do vậy, trang chủ của đầu tiên của Google khá sơ sài.
Giao diện trang web thử nghiệm của Google năm 1998.
- Chỉ 1% số người sử dụng tiến hành tìm kiếm kết quả bằng cách bấm vào nút “I’m Feeling Lucky” (Xem trang đầu tiên tìm được). Đây là nút bấm mà người dùng “thử vận may” để truy cập thẳng vào trang web đầu tiên có trong kết quả tìm kiếm thay vì hiển thị danh sách kết quả khi tìm kiếm. Tuy nhiên, thậm chí nhiều người dùng còn không biết đến chức năng này của Google.
- 2 nhà đồng sáng lập Sergey Brin và Larry Page đã xây dựng chiếc máy chủ đầu tiên cho Google và chứa nó trong một thùng máy tính được lắp ghép từ trò chơi Lego. Trước đó trong thời còn là học sinh phổ thông, Larry Page cũng đã từng sử dụng Lego để lắp ráp nên một chiếc máy in phun.
Chiếc máy chủ được lắp ghép bằng Lego của Google.
- Trong khi các trang web trên thế giới đều mong muốn người dùng ghé thăm trang web của mình càng lâu càng tốt thì Google có lẽ là trang web duy nhất mong muốn rút ngắn thời gian người dùng ghé thăm trang web của mình. Google đã liên tục cải tiến công nghệ và tính năng để giúp tăng tốc độ tìm kiếm trên Google.com để giúp người dùng chuyển đến trang web cần tìm kiếm một cách nhanh chóng nhất.
- Cũng như nhiều ông lớn trong giới công nghệ khác, Google cũng thường xuyên thâu tóm những công ty công nghệ nhỏ hơn để mở rộng danh mục sản phẩm của mình. Trong số các công ty đã được Google thâu tóm thành công nhất có thể kể đến Youtube và Android khi Youtube trở thành trang web xem video lớn nhất thế giới còn Android trở thành nền tảng di động phổ biến nhất thế giới.
“Bom tấn” lớn nhất mà Google đã thực hiện là thương vụ thâu tóm bộ phận di động của Motorola với giá lên đến hơn 12 tỷ USD vào năm 2012, tuy nhiên thương vụ này đã không phát huy được hiệu quả và Google đã bán lại Motorola cho Lenovo chỉ sau 2 năm với mức giá chỉ 2,91 tỷ USD.
Android là một trong những thương vụ thành công nhất từ trước đến nay của Google
- Sau 20 năm tồn tại và phát triển, Google luôn được đánh giá là một trong những công ty có môi trường làm việc tốt nhất thế giới và được xem công ty có nhiều công nghệ mang tính cách mạng nhất, vượt qua cả Apple. Không còn là “gã khổng lồ tìm kiếm” như trước đây, Google đã phát triển danh mục sản phẩm của mình ra nhiều lĩnh vực, bao gồm cả những lĩnh vực mang tính đột phát như xe ô tô tự lái hay dự án phủ sóng wifi trên toàn cầu bằng khinh khí cầu…