Các bức họa bề mặt mặt trăng được chuyên gia bản đồ người Anh Thomas Harriot vẽ trước cả Galileo sắp được đem ra trưng bày trước công chúng.
Những bức vẽ có từ thế kỷ 17 này cho thấy có thể Harriot "nhanh chân" hơn nhà khoa học nổi tiếng người Italia trong việc thực hiện quan sát mặt trăng răng bằng kính viễn vọng.
Một trong các bức vẽ của ông được đề ngày 26/7/1609, sáu tháng trước khi Galileo đạt được thành tựu tương tự.
Chân dung của Harriot với bản đồ mặt trăng do ông vẽ. |
Chuyên viên lưu trữ của hạt West Sussex, bà Alison McCann cho rằng: "Galileo rất giỏi trong việc tự quảng bá mình, trong khi Harriot không quan tâm đến chuyện đó. Harriot không công bố công trình của mình, vì thế rất ít người biết đến ông”.
Sắp tới Anh sẽ có cuộc trưng bày các bức vẽ của Harriot mô tả tất cả các đặc điểm của mặt trăng, trong đó bao gồm cả các biển và các miệng núi lửa của nó. Ngoài ra còn có các bản vẽ nguyên gốc của Harriot mô tả các vệ tinh của sao Mộc, các vết đen của mặt trời và cả sao chổi Halley.
Bà McCann nói: “Cuộc triển lãm sẽ giúp nhiều người biết đến Harriot hơn và mang lại cho ông danh tiếng mà ông xứng đáng được nhận với tư cách là một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất của thế kỷ 17”.
Các bức họa nói trên thuộc sở hữu của huân tước Egremont nhà Petworth, hậu duệ của bá tước vùng Northumberland, nay được giao lại cho Cục lưu trữ của hạt West Sussex bảo quản.
Bản gốc bức họa vẽ mặt trăng của Harriot sẽ được đưa vào một cuộc triển lãm quốc tế về Galileo tại Florence, Italia trong mùa hè 2009.