Hành trình chinh phục núi tuyết cao vút của gấu con để tới chỗ gấu mẹ trên đỉnh núi truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới.
Khoảnh khắc gấu con chật vật leo lên đỉnh ngọn núi tuyết để theo kịp gấu mẹ được chia sẻ hàng triệu lần trên mạng xã hội sau khi xuất hiện trên trang cá nhân của Ziya Tong, một thành viên Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Canada, hôm 3/11, theo IFL Science. Trong video do một người đàn ông Nga quay lại, gấu mẹ đã lên tới đỉnh ngọn núi ở vùng Magadan, hôm 19/6 và kiên nhẫn chờ con.
Trong lúc theo mẹ di chuyển ngang qua bề mặt núi tuyết, gấu con sảy chân và trượt xuống. Nó chới với tìm cách bám chặt vào nền tuyết. Nhưng cứ leo lên được một quãng ngắn, gấu con lại tụt xuống sâu hơn. Nhưng nó dường như càng quyết tâm hơn và tràn đầy năng lượng khi leo trở lại. Cuối cùng, gấu con tìm thấy chỗ bám chân trên rãnh tuyết do gấu mẹ để lại trước đó và leo lên đỉnh núi thành công.
Nhiều người bày tỏ sự thán phục trước ý chí của gấu con. "Tất cả chúng ta đều có thể học hỏi từ con gấu nhỏ này. Hãy nhìn lên và đừng bỏ cuộc", Ziya Tong chia sẻ.
Một số người khen ngợi kỹ năng nuôi dạy con của gấu mẹ. "Các bậc phụ huynh có thể rút ra bài học từ gấu mẹ. Đôi khi bạn cần để con mình tự tìm cách giải quyết ngay cả khi chúng trượt ngã và gặp khó khăn đôi chút", một người dùng mạng Twitter nhấn mạnh.
Những ý kiến khác bày tỏ lo ngại về việc sử dụng máy bay không người lái (drone) có thể làm mẹ con nhà gấu hoảng sợ vì cho rằng đó là chim săn mồi. Ở cuối video, lúc gấu con gần leo tới đỉnh, drone lao tới gần khiến gấu mẹ hoảng sợ quờ quạng để kéo con lên. Nhưng thay vì giúp con, nó lại làm tuyết rơi tung tóe, đẩy gấu con trượt xuống xa hơn.
Hai mẹ con nhà gấu cùng nhau leo lên đỉnh núi tuyết.
"Đây là chiêu trò nguy hiểm của một người vận hành drone vô trách nhiệm. Đáng lẽ người đó cần hiểu biết hơn", tiến sĩ Jacquelyn Gill, nhà cổ sinh thái học và phó giáo sư khí tượng ở Đại học Maine, cho biết.
Drone là một công cụ hữu dụng để ghi hình và tìm hiểu về động vật hoang dã trên thế giới. Trên thực tế, trong hai năm qua, drone trở thành phương tiện không thể thiếu trong nhiều dự án khoa học về động vật hoang dã và đa dạng sinh thái như chương trình Planet Earth II của BBC.
Tuy nhiên, drone có thể gây ồn và có thể quấy rầy động vật hoang dã. Một nghiên cứu xuất bản năm 2015 về gấu đen ở bang Minnesota phía tây bắc nước Mỹ chỉ ra những chuyến bay drone làm nhịp tim gấu tăng lên 123 nhịp/phút. Drone cũng có thể phủ bóng xuống mặt đất như chim săn mồi khiến một số loài sợ hãi. Những ảnh hưởng của drone lên hành vi của động vật vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng các nhà khoa học và nhà vận hành drone đang ngày càng quan tâm hơn đến hệ quả.