Gel sinh học giúp ngăn chặn hiểm họa phơi nhiễm thuốc trừ sâu

Loại gel bôi giúp khử độc tức thời cho người bị phơi nhiễm thuốc trừ sâu, hứa hẹn sẽ sớm được đưa vào ứng dụng rộng rãi, giúp bảo vệ sức khỏe cho hơn 260 triệu nông dân Ấn Độ cũng như nông dân ở các quốc gia khác.

Khử độc thuốc trừ sâu bám trên da

Trong quá trình phun thuốc trừ sâu cho cây trồng, qua tiếp xúc với da và hít thở, những người nông dân sẽ bị phơi nhiễm độc tố từ các loại thuốc trừ sâu, gây ra hiểm họa rất nghiêm trọng đối với sức khỏe.


Phơi nhiễm thuốc trừ sâu gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe con người. (Ảnh Internet).

Chỉ tính riêng năm ngoái, tại khu vực Vidarbha, bang Maharashtra, Ấn Độ, đã có trên 40 người thiệt mạng, 25 ca bị mù mắt và hơn 1000 trường hợp phải nhập viện do nhiễm độc khi phun thuốc trừ sâu. Đây chỉ là một trong rất nhiều bằng chứng cho thấy mức độ nguy hiểm của việc phơi nhiễm độc tố do trực tiếp phun thuốc trừ sâu. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có một công nghệ nào giúp khử độc hiệu quả thuốc trừ sâu dính trên da, bảo vệ sức khỏe người nông dân.

Các chất hữu cơ có chứa gốc phốt phát (organophosphate), là một thành phần cơ bản của thuốc trừ sâu với đặc tính rất dễ xâm nhập vào cơ thể qua da và gây nhiễm độc thần kinh nghiêm trọng nếu tiếp xúc liên tục. Khi vào cơ thể người, các chất này phá vỡ liên kết hóa học giữa hai nơ ron thần kinh thông qua sự ức chế enzyme acetylcholinesterase (enzyme trong máu và đầu sợi thần kinh có vai trò ức chế quá trình kích thích thần kinh) gây rối loạn nhận thức, khó thở, tê liệt, mỏi cơ, mất sức và đôi khi là tử vong.

Hiện nay, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu khoa học Tế bào gốc và Y tế tái tạo Ấn Độ (inStem) đã phát triển một chất polymer dưới dạng gel, được sử dụng bằng cách bôi trực tiếp trên da trước khi người nông dân đi phun thuốc sâu. Nhờ sự thủy phân trung hòa các độc tố, loại gel này giúp khử độc thuốc trừ sâu bám trên da. Đây là nghiên cứu của ba nhà nghiên cứu người Ấn Độ: Praveen Kumar Vemula, Ketan Thorat và Sandeep Chandrashekharappa.


Ba nhà nghiên cứu Praveen Kumar Vemula, Ketan Thorat và Sandeep Chandrashekharappa. (Ảnh Thehindubusinessline).

“Nhiễm độc do trực tiếp phun thuốc trừ sâu gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của 263 triệu nông dân Ấn Độ. Các tác nhân ái nhân hoạt tính (active nucleophile) trong loại gel bôi da này sẽ tấn công các phân tử thuốc trừ sâu và phá vỡ các phân tử đó để biến thành các chất không gây độc hại. Thuốc trừ sâu thậm chí đã bị khử độc trước khi kịp bám lên da người đi phun”, ông Vemula cho biết.

Lập start-up và tiềm năng ứng dụng rộng rãi

Trong các nghiên cứu tiền lâm sàng, việc bôi loại gel hoạt tính này đã giúp ngăn chặn được rất nhiều triệu chứng nguy hiểm do bị nhiễm độc từ phun thuốc sâu gây ra như là tê liệt cơ, mất sức và tử vong.

“Thách thức lớn nhất trong nghiên cứu này là phải tạo ra một nucleophile lý tưởng có thể thủy phân nhanh các chất hữu cơ và tái tạo để sinh ra hoạt tính xúc tác, nhưng không gây kích ứng da", ông Sandeep Chandrashekharappa cho biết.

Loại gel này có tác dụng với hầu hết các loại thuốc trừ sâu bệnh và nấm, trong đó có các loại thuốc trừ sâu bệnh đang được sử dụng phổ biến ở Ấn Độ.


Công nghệ mới hứa hẹn giúp bảo vệ hàng triệu nông dân Ấn Độ.

Tiến sỹ J.V Peter, hiệu trưởng trường Đại học Y Christian, người đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm độc thuốc trừ sâu trong hơn 2 thập kỷ qua, cho biết: “Kết quả nghiên cứu do ông Thorat và các cộng sự đạt được trên các mẫu động vật là rất đáng chú ý và phù hợp với các nguyên tắc nghiên cứu tác dụng hóa học của thuốc. Tuy vậy, nghiên cứu này vẫn cần phải được đánh giá trong các thử nghiệm lâm sàng trước khi đưa vào ứng dụng rộng rãi”.

Hiện nhóm nghiên cứu đang trong quá trình thành lập một công ty start-up, nhằm nhanh chóng thực hiện nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên trên người. Đây sẽ là một bước đi dài tiến tới thương mại hóa công nghệ này với mục tiêu là bảo vệ những người nông dân ở Ấn Độ nói riêng và ở các nước đang phát triển nói chung.

Cập nhật: 29/10/2018 Theo khampha
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video