Giải mã hiện tượng kinh dị: Động vật tự ăn chính mình

Nếu như chúng ta xem việc cắn móng tay đã là "quá bẩn" hay "quá ghê" thì có những loài động vật lại ăn... đuôi hay não của chính mình.

Thiên nhiên thật tàn nhẫn! Động vật luôn luôn dùng móng vuốt của mình để kiếm ăn, hay đơn giản chỉ xé toạc con mồi ra để chơi đùa. Có loài còn ăn cả đồng loại của chính mình để tồn tại hay thể hiện quyền uy.

Tuy nhiên, đáng sợ hơn ăn thịt đồng loại chính là tự ăn... chính mình. Dù nghe như đi ngược lại ý định của tạo hóa, hiện tượng này lại khá phổ biến ở nhiều loài động vật. Vậy lý do cho hành động kỳ quái này là gì?


Lý do cho hành động kỳ quái này là gì?

1. Tự ăn cơ thể mình là một phương pháp mang tính... tự vệ

Vào năm 2007, người ta đã bắt gặp một con hổ bị thiếu chân trước tại Công Viên Quốc Gia Tesso Nilo ở đảo Sumatra (Indonesia). Họ đoán rằng nó đã nhai chính chân của mình để "giải phóng" cơ thể khỏi bẫy bị mắc.


Chú hổ "ba chân" ở đảo Sumatra.

Đây hóa ra là hiện tượng thường thấy ở động vật. Chó, gấu và khỉ cũng nhai da, cơ bắp, gân và cả xương của mình, nhằm thoát khỏi bộ phận bị dính bẫy.

Hành vi này nghe qua có vẻ "quá máu me" nhưng cũng rất hợp lý: thà mất một bộ phận còn hơn mất mạng.


Đây là hiện tượng thường thấy ở động vật.

Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất mà động vật lại ăn chính mình.

2. Tự ăn cơ thể là một hình thức "nâng cấp" não bộ

Loài hải tiêu (sea squirt) khi sinh ra vốn là ấu trùng, có hình dạng như những con nòng nọc tí hon. Sau khi bám vào một hòn đá nào đó thì ấu trùng hải tiêu... cố thủ ở đó luôn.


Ấu trùng hải tiêu.

Giống như sâu bướm trên đất liền, chúng cũng dần biến đổi hình thái. Đến khi trưởng thành, hải tiêu trông như những chiếc túi nhỏ có nhiều lỗ, sống sót bằng cách hấp thụ thức ăn từ nước biển.

Ấu trùng hải tiêu và hải tiêu trưởng thành có lối sống khác nhau đồng nghĩa với việc các cơ quan của chúng cũng khác nhau.


Hải tiêu trưởng thành.

Cơ thể ấu trùng hải tiêu có cấu tạo rất đơn giản, chỉ bao gồm một bó thần kinh chạy dọc sống lưng, khá giống xương sống của những loài động vật cấp cao. Phía trước bó này là hạch (túi não) cùng các cơ quan cảm nhận ánh sáng và trọng lực.

Khi trưởng thành, hải tiêu không cần những bộ phận này nữa nên... ăn chúng luôn. Riêng túi não thì được "tái chế" thành hạch não để hỗ trợ việc tiêu hóa thức ăn.

Hay nói cách khác, chúng nó... tự ăn não mình.


Khi trưởng thành, hải tiêu không cần những bộ phận này nữa nên... ăn chúng luôn.

Thực chất đó là quá trình sinh trưởng từ hải tiêu non với hình hài khá giống với nòng nọc (có đầy đủ mắt, não và đuôi) đến khi gắn cơ thể cố định vào một mặt bám và tiêu biến tất cả các bộ phận, chỉ còn lại một đốt thần kinh. Có hải tiêu khi sinh sản từ thân mọc ra một mầm non, mầm này lớn dần lên rồi rời khỏi thân mẹ phát triển thành một cơ thể mới. Đó là mầm sinh thực của hải tiêu.

Có hải tiêu lại sinh sản hữu tính, khi đó, hải tiêu lưỡng tính, trứng và tinh trùng không chín đồng thời nên không thể tự thụ, đành phải 'đi lại' với con hải tiêu khác. Mặc dù không có não, chúng có khả năng tự hàn kín các vết thương bằng cách tái tạo tế bào mới.

Tuy là động vật nhưng trông khá giống thực vật với thân mình không có hình dáng rõ rệt, thường thì chúng có hình cầu hoặc hình trụ với nhiều màu sắc sặc sỡ. Hải tiêu có rất nhiều phân loài khác nhau, sinh sống khắp các vùng biển trên thế giới. Khi đã trưởng thành, chúng rất lười di chuyển, mỗi ngày đi được vài centimet đã là hay.

Dù vậy, hải tiêu vẫn là động vật tiến hóa bậc cao do có đốt sống. Tên tiếng Anh của nó Ascidian hay là Tunicate, hoặc một tên dễ nhớ hơn là Sea squirt, trong đó "sea" là biển còn "squirt" là tia nước. Vì mỗi lần hải tiêu nhổ mình ra khỏi mặt bám sẽ bắn ra một tia nước nhẹ.

3. "Ngoạm" chính mình vì tưởng mình là... con mồi

Liệu rắn có "điên" đến nỗi tự đi ăn chính mình không? Câu trả lời là có.

Hầu hết các loài rắn đều sử dụng khả năng cảm nhận thân nhiệt để săn mồi. Tuy nhiên, có loài còn vẫy đuôi thật nhanh để thu hút con mồi, thế là đôi lúc nó lầm tưởng đuôi mình là mồi và lao đến... xực luôn.


Việc nuốt mồi, hay ở đây là nuốt cơ thể chính mình của rắn không phải là hành vi có chủ đích.

Ngoài ra, nếu mùi của con mồi nào đó vẫn còn vương lại trên cơ thể rắn, nó sẽ nuốt ngấu nghiến đuôi của mình vì cứ nghĩ là đang nuốt mồi.

Nói cách khác, việc nuốt mồi, hay ở đây là nuốt cơ thể chính mình của rắn không phải là hành vi có chủ đích - khi thấy có "mùi" là rắn bay lại "chén" thôi.

4. Ăn nhau thai sau khi sinh có thể có ích

Nhiều loài động vật có vú thường ăn luôn nhau thai và nước ối khi sinh con, như mèo chẳng hạn.


Một con mèo đang ăn nhau thai sau khi sinh.

Lý giải cho hiện tượng này, giáo sư Mark Kristal đến từ ĐH Buffalo ở New York (Mỹ) cho rằng, ăn nhau thai có thể là một phương pháp giảm đau hậu sinh sản, đặc biệt là ở các loài động vật gặm nhấm.


Nếu chúng không tự ăn nhau thai của mình, sẽ có con vật khác ăn thay.

Một nghiên cứu vào năm 2015 được thực hiện bởi các giáo sư đến từ ĐH Y Feinberg ở Chicago (Mỹ) cho thấy rằng, hiện tượng ăn nhau thai ở con người tương đối hiếm và mới chỉ xuất hiện gần đây ở các nước phương Tây.

Họ cũng không thấy bất kỳ lợi ích nào từ việc ăn nhau thai người như giảm phiền muộn sau khi sinh, tăng lượng sữa hay hồi sức như nhiều người kháo nhau cả.

Cập nhật: 27/01/2021 Theo Trí Thức Trẻ/kienthuc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video