Giải mã sự sống của Stephen Hawking - người mắc chứng "hóa đá"

Ông hoàng vật lý thế giới Stephen Hawking vẫn kiên cường chống chọi bệnh tật suốt hơn 50 năm qua, dù được bác sĩ chẩn đoán là chỉ có thể sống thêm hai năm sau khi phát hiện bệnh xơ cứng teo cơ (ALS).

>>> Video: Phim về cuộc đời thời trẻ của Stephen Hawking
>>> Stephen Hawking - Tiểu sử và các cột mốc quan trọng trong cuộc đời ông

Ngày 20/4/2009, Stephen Hawking rơi vào tình trạng nguy kịch vì căn bệnh nan y ALS. Người phát ngôn Đại học Cambrigde, Anh, thông báo rằng giáo sư Hawking "phải nhập viện và đang rất yếu". Các tờ báo bắt đầu đăng tải những bài tóm lược vinh danh cuộc đời của ông hoàng vật lý lý thuyết như cáo phó sớm. Nhiều chuyên gia lo ngại thời gian của ông sắp hết. Thế nhưng, căn bệnh không thể khuất phục được Hawking.


"Ông hoàng vật lý"
Stephen Hawking. (Ảnh: Guardian)

Ở tuổi 73, cùng với hội chứng vô phương cứu chữa, Stephen được cho là không thể tiếp tục thuyết hình thành vũ trụ, nghiên cứu về mối lo ngại của trí tuệ nhân tạo... Vượt qua tất cả những điều đó, Stephen Hawking đã làm nên kỳ tích sống sót với căn bệnh ALS, khiến không ít chuyên gia bất ngờ.

Hội chứng xơ cứng teo cơ (ALS) là căn bệnh khiến các tế bào thần kinh tê liệt. Một khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ cảm nhận cơ thể từ từ đông cứng cho tới khi liệt hẳn. Họ dần mất khả năng vận động, không thể nhai thuốc, thức ăn và gặp khó khăn khi hít thở.

Theo hiệp hội ALS (ALS Association), bệnh nhân thường chỉ có thể sống được 2-5 năm sau khi phát hiện. Hơn 50% người sống tới năm thứ ba, 20% sống được 5 năm nữa, nhưng vượt qua ngưỡng này, tỷ lệ sống sót giảm mạnh. Chỉ hơn 5% bệnh nhân có thể chống chọi bệnh trong 20 năm. Stephen Hawking là một trong số hơn 5% hiếm hoi ấy. Thiên tài khoa học đã hai lần đánh dấu cột mốc 20 năm sống cùng ALS.

Khả năng sống sót phi thường của Hawking khiến nhiều chuyên gia cho rằng có thể ông đã chiến thắng hội chứng ALS. "Ông là một ngoại lệ. Tôi chưa từng thấy ai sống sót với căn bệnh này lâu đến thế. Điều phi thường không chỉ dừng lại ở độ dài thời gian, mà ở chỗ căn bệnh dường như đang suy yếu. Tình trạng bệnh ổn định như vậy là cực kỳ hiếm", Nigel Leigh, giáo sư về thần kinh học lâm sàng tại King’s College, London, phát biểu trên British Medical Journal năm 2002.

Hơn một thập kỷ sau nhận định của giáo sư Nigel, khi Hawking bước sang tuổi 70 vào năm 2012, nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục bày tỏ sự kinh ngạc. "Hawking thật phi thường. Tôi không biết ai từng sống sót lâu như vậy", AP dẫn lời chuyên gia Anmar al-Chalabi nói.

Theo nhiều nhà khoa học, cuộc chiến với ALS được bắt đầu sớm có thể phần nào lý giải cho kỳ tích sống sót của ông. Độ tuổi trung bình được chẩn đoán ALS là 55, trong khi các triệu chứng bắt đầu với Hawking khi ông còn rất trẻ.

"Vào năm thứ ba tại Oxford, tôi nhận thấy mình ngày một vụng về. Tôi bị ngã một vài lần mà không rõ lý do. Mãi tới khi vào học tại Cambrigde, cha tôi mới chú ý và đưa tôi gặp bác sĩ. Ông ấy gửi tôi đến một chuyên gia và ngay sau sinh nhật 21 tuổi, tôi bắt đầu làm các xét nghiệm tại bệnh viện. Tin mình mắc bệnh thần kinh vận động làm tôi vô cùng sửng sốt", Hawking từng viết.


Stephen Hawking bị liệt toàn thân và phải giao tiếp qua một thiết bị hỗ trợ phát giọng nói. (Ảnh: Flickr)

Kết quả chẩn đoán sớm đưa Stephen vào chuỗi ngày sống chung với bệnh tật. Dù vậy, điều này đồng thời là cơ hội giúp ông sống sót lâu hơn so những người phát bệnh muộn. "Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân trẻ tuổi cao hơn rất nhiều. Một vài trường hợp có thể sống hơn 10 năm nữa", Leigh nói.

Giáo sư Leo McCluskey từ Đại học Pennsylvania, Mỹ, cho biết ALS có thể gây tử vong theo hai cách. ALS làm suy yếu các cơ hô hấp, khiến người bệnh không thể hít thở. Mặt khác, căn bệnh cướp đi khả năng nhai nuốt gây mất nước, suy dinh dưỡng và dần lấy đi mạng sống. Nếu không nằm trong hai trường hợp trên, nhiều khả năng bệnh nhân sẽ sống sót trong thời gian dài.

Dù vậy, thời gian sống của Hawking vẫn là một kỳ tích. Về phần mình, Hawking cho rằng công việc nghiên cứu đã tặng cho ông nhiều thời gian mà người khác không thể có được. "Tôi có một công việc và được chăm sóc đặc biệt. Điều này chắc chắn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tôi may mắn làm việc trong ngành vật lý lý thuyết, một trong số ít lĩnh vực mà sự tàn tật không phải là khuyết điểm quá quan trọng", Stephen chia sẻ với New York Times năm 2011.

Cuộc chiến bền bỉ chống lại căn bệnh hiểm nghèo của Hawking, dù được giải thích bằng lý do nào đi nữa, cũng khiến ông trở thành một minh chứng kỳ diệu cho sức sống của con người.

Theo Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video