Gián rất khôn ngoan, biết chủ động từ chối glucôzơ thường chứa bả độc. Chúng quy định lại: vị ngọt từ nay thuộc vị đắng.
>>> Con người sẽ diệt vong trước loài gián?
Kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học Mỹ thuộc Trường ĐH Bắc Carolina tiến hành và công bố trên số mới nhất của Tạp chí Science.
Trong những năm qua người ta nhận thấy loài gián nâu sống trong nhà (tên khoa học Blatella Blatella) chủ động từ bỏ những đồ ngọt chứa trong các bả trộn chất độc. Các nhà khoa học cho biết do các thế hệ gián trước đây bị chết quá nhiều vì sự hấp dẫn của vị ngọt, chúng đã chủ động thay đổi vị giác.
Lúc đầu, các nhà khoa học thấy những con gián dù rất đói khi cho chọn giữa dầu lạc và mứt, bão hoà đường glucôzơ mà trước đây chúng ưa thích nhất thì tất cả đều chọn dầu mà ngoảnh mặt đi với mứt. Sau đó họ bắt được một số gián và gắn vào miệng chúng những điện cực nhỏ li ti, cho phép họ xác định xem những nơron nào bị kích thích khi gián tiếp cận với đường glucôzơ.
Kết quả là khi gián buộc phải tiếp xúc với vị ngọt, thì các nơron bị hoạt hoá là những nơron chịu trách nhiệm về cảm nhận vị đắng. Chính nơron ấy bị kích thích khi gián phải “nếm” các chất vị đắng điển hình như cafein, quinin… Thí nghiệm đó chứng tỏ dù glucôzơ tác dụng đến thụ quan cảm nhận vị ngọt nhưng thụ quan này đã bị chúng “khoá” lại để chuyển sang nơron dẫn truyền vị đắng.
Trong quá trình nghiên cứu, người ta thấy gián ngoảnh đầu đi để tránh gặp những giọt glucôzơ trước đây hấp dẫn đặc biệt đối với chúng. Theo các nhà khoa học, việc thay đổi chức năng làm việc của các thụ quan của gián là một thí dụ về hiệu quả của quá trình chọn lọc tự nhiên. Ông Cobey Shell, một trong các tác giả của bài báo nói: “Tôi luôn luôn cảm thấy rất khâm phục loài gián. Chúng không những phụ thuộc vào chúng ta mà còn biết cách đánh lừa chúng ta nữa”.