Hôm thứ Sáu vừa rồi, SpaceX của Elon Musk đã phóng thành công 60 vệ tinh thuộc Starlink, dự án cung cấp mạng Internet tốc độ cao toàn cầu bằng một mạng lưới vệ tinh quỹ đạo. Lợi ích chưa thấy đâu, vì vẫn phải đợi xem toàn bộ 60 thiết bị có hoạt động trơn tru không, thì đã thấy có lời phàn nàn về tác hại của Starlink:
Các nhà thiên văn học lo ngại khi chưa rõ Starlink sẽ ảnh hưởng thế nào tới hoạt động quan sát vũ trụ của con người.
Starlink sẽ ảnh hưởng tới hoạt động quan sát vũ trụ của con người.
60 vệ tinh lên không hồi cuối tuần trước chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số 12.000 vệ tinh dự kiến, bay ở quỹ đạo Trái Đất với độ cao khoảng 550km tới 1.200 so với mặt nước biển. SpaceX mới chỉ là 1 trong 9 công ty nuôi mộng dự án cung cấp Internet bằng vệ tinh, họ sẽ góp phần che mờ bầu trời, khi lượng vệ tinh khổng lồ cộng với lớp rác thải Vũ trụ biến thành một tấm chăn rác phủ quanh Trái Đất.
“Một trong những bi kịch dàn vệ tinh Starlink mang lại là nó sẽ thay đổi mãi mãi cách nhân loại chiêm ngưỡng bầu trời đêm”, thời nhận định của Ronald Drimmel từ Đài quan sát Vật lý Thiên văn Turin đặt tại Italy. “Starlink, bên cạnh những dàn vệ tinh lớn khác, sẽ làm hỏng bầu trời với bất kỳ ai muốn tận hưởng nó”.
Ngay sau khi dàn vệ tinh của Starlink lên không, nhiều người đam mê thiên văn học nghiệp dư đã chụp được ảnh vệ tinh trên không. Toàn bộ 60 vệ tinh nối đuôi nhau trên quỹ đạo: họ ngạc nhiên khi thấy nó sáng hơn nhiều dự kiến.
“Chúng tôi không nghĩ nó có thể sáng tới vậy và không ngờ nó có thể đẹp đến thế”, nhà thiên văn học nghiệp dư Marco Langbroek cho hay. “Cảnh vừa đẹp tuyệt vời, lại vừa hơi kỳ lạ khi thấy một chuỗi vật thể nối đuôi nhau chuyển động trên bầu trời”.
Dàn vệ tinh Starlink của Tesla trên quỹ đạo.
SpaceX giữ kín thông số kỹ thuật của vệ tinh cho tới thời điểm nó lên không, và sau thời khắc đáng nhớ, người ta mới biết mỗi vệ tinh được gắn một tấm pin Mặt Trời lớn. Chúng có “tận” hai công dụng: một là để cung cấp năng lượng cho vệ tinh, hai là phản chiếu cả ánh Mặt Trời xuống Trái Đất.
Cứ ngước nhìn lên trời lúc đêm tối, nhiều khả năng bạn sẽ thấy một chuỗi đốm sáng kéo dài trên nền trời, dù bạn ở bất kỳ đâu. Không biết đây là điểm cộng hay điểm trừ của hệ thống vệ tinh có thể cung cấp Internet tốc độ cao cho mọi nơi trên thế giới.
“Hóa ra những vệ tinh này rất dễ nhìn bằng mắt thường, và sáng hơn chúng tôi tưởng nhiều”, nhà vật lý thiên văn Darren Baskill từ Đại học Sussex cho hay. “Nếu mắt thường cũng nhìn thấy được, tức là chúng sẽ cực kỳ chói với những kính thiên văn siêu nhạy sáng của thế hệ mới”.
Có thể kể tới Kính viễn vọng Khảo sát Khái quát Lớn (LSST) đang được xây dựng, được thiết kế để chụp toàn bộ bầu trời đêm để nghiên cứu thiên thể. Đúng là hiệu ứng của Starlink đè lên hệ thống kính viễn vọng là chưa rõ, nhưng chắc chắn LSST sẽ thường xuyên gặp phải dàn vệ tinh Starlink để rồi phải sửa ảnh lại. Vấn đề này không mới trong giới những người thích ngắm nhìn trời đêm, nhưng số lượng vệ tinh khổng lồ của dự án Starlink sẽ gây ra những khó khăn nhất định.
Số lượng vệ tinh khổng lồ của dự án Starlink sẽ gây ra những khó khăn nhất định.
Giữa đêm tối, vệ tinh sẽ chẳng kiếm đâu ra ánh sáng để phản chiếu xuống mặt đất. Nhưng ngay sau hoàng hôn và ngay trước bình minh, dàn vệ tinh khổng lồ sẽ phản chiếu ánh sáng và bất kỳ ai ngước lên trên sẽ đều thấy “hàm răng trắng sáng” của Elon Musk đang cười với họ.
Một mối lo khác cũng thuộc ngành thiên văn học, đó là việc đón tín hiệu vô tuyến từ quỹ đạo về Trái Đất và ngược lại. Vệ tinh sẽ phóng ra tín hiệu vô tuyến để liên lạc với Trái Đất, trạm mặt đất cũng dùng tín hiệu radio để liên lạc lại, chưa kể việc sử dụng sóng vô tuyến để nghiên cứu Vũ trụ - tấm ảnh đầu tiên về hố đen Vũ trụ cũng được “chụp” bằng sóng vô tuyến đó!
Elon Musk lắng nghe những lời chỉ trích này, và đã sử dụng Twitter để trả lời câu hỏi nhức nhối. Ban đầu, vị tỷ phú cãi rằng Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS cũng hiện hữu trên trời cơ mà! Nhưng sau khi biết mình sai, Musk khẳng định SpaceX đang tìm cách ứng dụng công nghệ của ISS vào vệ tinh của mình để giảm thiểu những hiệu ứng không đáng có.
Musk nói thêm rằng mục tiêu cuối cùng của Starlink sẽ mang lại nhiều giá trị hơn ảnh hưởng của vệ tinh lên ngành thiên văn: bằng việc đem Internet tới 3,3 tỷ người vẫn chưa có kết nối Internet, ông sẽ có được kinh phí để đầu tư sứ mệnh Sao Hỏa và tới những nơi xa hơn nữa.
Mục tiêu cuối cùng của Starlink sẽ mang lại nhiều giá trị hơn ảnh hưởng của vệ tinh lên ngành thiên văn.
“Việc có thể giúp đỡ hàng tỷ người thiếu thốn sẽ đem lại lợi ích lớn”, Musk nói. “Nhưng dù thế, chúng tôi vẫn sẽ đảm bảo Starlink không ảnh hưởng tới những khám phá thiên văn. Chúng tôi quan tâm sát sao tới lợi ích của khoa học”.
Nhiều người lo lắng xa hơn, rằng bầu trời sẽ mãi mãi thay đổi, từ giờ cho tới cả ngàn năm nữa. Dàn vệ tinh rất ấn tượng, nhưng một dàn thiết bị phản chiếu ánh sáng liên tục xuất hiện trên trời thì khác.
“Với Starlink, chúng tôi ước tính sẽ có ít nhất 100 vệ tinh xuất hiện trên trời tại bất cứ thời điểm nào, dù nhìn từ đâu trên Trái Đất”, Baskill nhận định. “Sớm thôi, những người vẫn may mắn có được nơi quang đãng để ngắm trời đêm sẽ thấy khoảng không yêu thích của mình ngập tràn thiết bị kim loại, chậm rãi trải ra trên quỹ đạo”.