Thay vì phụ thuộc vào Wi-Fi hay Bluetooth, các nhà nghiên cứu đã phát triển một hệ thống sử dụng cơ thể con người để truyền mật khẩu.
Theo LiveScience, các nhà khoa học và kỹ sư công nghệ đã phát minh ra một cách để truyền tín hiệu từ máy quét vân tay hoặc touchpad qua cơ thể tới thiết bị nhận khác cũng được kết nối với cơ thể người. Những tín hiệu "on-body" này mang lại một phương thức an toàn hơn trong các xác thực không cần mật khẩu.
"Giả sử tôi muốn mở một cánh cửa có khóa an toàn", đồng trưởng tác giả của nghiên cứu Merhdad Hessar nói. "Tôi có thể chạm vào nắm cửa và chạm vào cảm biến vân tay trên điện thoại để truyền thông tin bí mật qua cơ thể tới cánh cửa mà không làm rò rỉ chúng trong không khí".
Hệ thống sử dụng tín hiệu đã được sản sinh bởi cảm biến vân tay trên touchpad của điện thoại và laptop. Các touchpad nhận thông tin về các đặc tính vật lý của ngón tay người dùng.
Những tín hiệu "on-body" này mang lại một phương thức an toàn hơn trong các xác thực không cần mật khẩu.
"Lần đầu tiên chúng tôi thấy cảm biến vân tay lại có thể dùng để gửi đi các thông tin gắn liền với cơ thể người", Shyam Gollakota, trưởng tác giả nghiên cứu, trợ giảng ngành khoa học máy tính ở đại học Washington nói.
Các nhà nghiên cứu cũng phát minh ra một cách để nhận tín hiệu sản sinh bởi cảm biến vân tay và touchpad dưới các dạng dữ liệu tương ứng như mật khẩu hoặc mã truy xuất (access code). Thay vì truyền các dữ liệu nhạy cảm "qua không khí" tới thiết bị nhận, hệ thống cho phép các thông tin đó đi một cách an toàn qua cơ thể tới bộ nhận tín hiệu trong thiết bị cần được xác nhận.
Trong các bài thử nghiệm, hệ thống này đã hoạt động với iPhone, trackpad laptop Lenovo và touchpad Adafruit (có thể dùng với PC). Các bài thử nghiệm này thành công với 10 người có chiều cao, cân nặng và thể trạng khác nhau, trong các tư thế, chuyển động khác nhau. Tín hiệu truyền qua cơ thể đạt tới tốc độ 50bps đối với touchpad và 25bps với cảm biến của điện thoại – đủ nhanh để truyền một mật khẩu đơn giản hoặc một mã số. Bit rate được dùng để đo lượng dữ liệu được truyền trên giây, càng cao thì dữ liệu được truyền càng nhiều.
Tín hiệu truyền trên cơ thể cũng có thể được dùng cho các thiết bị y tế, như bơm insulin hay máy đo đường huyết – những thiết bị cần chia sẻ dữ liệu để xác nhận danh tính của bệnh nhân, theo chia sẻ của các nhà nghiên cứu.
Một khi các nhà nghiên cứu có thể tiếp xúc thêm với các phần mềm được sử dụng bởi các nhà sản xuất cảm biến vân tay, họ sẽ hướng tới nghiên cứu các phương pháp để truyền tín hiệu nhanh và mạnh hơn.
Công nghệ này đã được miêu tả trong một nghiên cứu xuất bản vào 12/9 tại UbiComp2016.