Gương lõm không chỉ mang lại những điều kỳ diệu mà còn có thể gây tai họa bởi chúng có khả năng ghi nhận và lưu trữ thông tin.
Năm 1997, Hội cổ vật Pháp yêu cầu báo chí phổ biến rộng rãi lời cảnh báo đối với những người sưu tầm đồ cổ nói riêng và dân chúng nói chung là không nên lưu giữ, mua hoặc bán một chiếc gương cổ có dòng chữ "Louis Arpo, năm 1743" trên khung bao, nếu có nó trong tay, hãy mau đem nộp cho chính quyền hoặc cảnh sát. Theo thống kê của các nhà thi hành luật pháp nước này, cho đến đầu thế kỷ 20, trong gần 200 năm tồn tại và qua tay nhiều chủ, chiếc gương đã gây cái chết cho tổng cộng 38 người.
Cần biết rằng đây là một chiếc gương hơi lõm, có thể phóng to hình ảnh lên một chút, rất thuận tiện cho các bà các cô dùng để sửa lông mi, kẻ lông mày và thực hiện một số trang điểm tinh tế trên mặt.
Từng có nhiều giả thuyết khác nhau về cơ chế gây hại của nó. Có người cho rằng đây là một chiếc gương đặc biệt, có khả năng phản chiếu những tia sáng dị thường gây xuất huyết não. Người khác đoán rằng chiếc gương đã tích tụ những nguồn năng lượng siêu nhiên nào đó rồi phản ánh, tác động lên người đối diện. Lại có người cho rằng đó là một chiếc gương chứa phép thuật, có thể hình dung như một cái phễu, hút linh hồn con người sang thế giới bên kia. Tất cả chỉ là phỏng đoán, chưa có một nghiên cứu khoa học nào, vì chiếc gương này bị nhốt trong kho suốt gần 1 thế kỷ và khi có nhà khoa học nhớ tới thì nó đã không cánh mà bay. Dù sao, các nhà khoa học vẫn cố gắng tìm lời giải đáp cho những cái chết bí ẩn mà người ta cho rằng do chính chiếc gương nọ gây ra.
Theo một luận thuyết thì gương có một đặc tính gần như nam châm: hút và lưu giữ những chất độc. Từ thế kỷ 17, nhà triết học người Italy Tomaso Campanella (tác giả cuốn sách Thành phố mặt trời, được coi là tuyên ngôn của chủ nghĩa xã hội không tưởng) từng viết: "Những phụ nữ già yếu hay nhỏ đờm giãi và chảy nước mắt sống, hơi thở nặng mùi, mỗi khi soi gương thì làm cho gương mờ đi do tác động của những chất độc hại thoát ra từ nước mắt, đờm giãi và hơi thở...". Năm 1739, các nhà khoa học ở Viện hàn lâm khoa học Pháp cũng có một kết luận tương tự, được ghi thành văn bản hẳn hoi: "Khi một người phụ nữ già yếu ngồi trước gương lâu hơn cần thiết, trên mặt gương sẽ tích tụ hơi ẩm chứa những chất không tốt từ người đó. Các phân tích hóa học cho thấy những chất đó rất độc hại...". Kết luận này phần nào lý giải điều kiêng kỵ trong dân gian: không được soi gương khi đang ốm đau hay cảm thấy mệt mỏi trong người, thậm chí khi tâm trạng có điều gì buồn bực. Người ta cho rằng những lúc như thế, trong người thường phát ra hơi độc, hơi độc này được gương hấp thu rồi sau đó phát ra rất mạnh, gây ảnh hưởng không tốt đến người sử dụng gương sau đó.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học hiện đại, chiếc gương Louis Arpo nếu thật sự gây ra cái chết cho mấy chục người thì cũng không phải do chất độc tích tụ trên mặt gương. Chất độc, dù mạnh đến mấy, cũng có thể lau rửa dễ dàng, đặt biệt là trên mặt gương sáng bóng, mà suốt mấy trăm năm lẽ nào chiếc gương này không được lau rửa một lần? Nhưng có thể tiếp cận vấn đề từ một hướng khác: rất có thể chiếc gương đã tích tụ, lưu giữ và rồi phát ra một lượng thông tin nào đó, hay nói đơn giản, đó là một chiếc gương có ký ức...
Chiếc gương treo hay đặt trong nhà chính là một nhân chứng thầm lặng, chứng kiến toàn bộ những gì xảy ra trong thị trường của mình. Nói cách khác, nó như là một chiếc máy quay phim ghi lại tất cả những gì diễn ra trước "ống kính" của mình. Song chúng ta ai cũng biết rằng hình ảnh phản chiếu trong gương chỉ là ảnh ảo và gương soi không bao giờ có được tính năng của máy quay phim. Tuy nhiên, việc gương soi có khả năng ghi nhận, lưu giữ thông tin tuy khó tin nhưng lại rất có thể có thật. Cũng giống như nhiều thứ đồ vật khác, gương có thể mang trong mình dấu ấn nhân cách người chủ. Từ xa xưa, người ta đã quan niệm rằng một đồ vật nào đó được một người sử dụng lâu dài thì sẽ hấp thụ tư duy, tình cảm của người đó. Ngoài ra, gương cũng như nhiều thứ đồ vật khác có thể hấp thụ, lưu giữ thông tin về những diễn biến của các sự vật diễn ra xung quanh mình, đặc biệt đối với một chiếc gương lõm vốn có tính năng của một ăngten thu - phát như đã nói phần trước.
Trong một thí nghiệm sinh học có sử dụng gương, các nhà nghiên cứu Nga đã tình cờ phát hiện đặc tính "nhớ" của gương: Những chiếc gương sau khi được sử dụng trong thí nghiệm vẫn lưu giữ và phát xạ thông tin về những vật thí nghiệm được đặt ở trước mặt chúng. Đặc tính này của gương gây không ít phiền toái cho các nhà khoa học, vì ở các thí nghiệm sau, những thông tin được lưu giữ từ những lần trước do gương phát ra có thể gây nhiễu, ảnh hưởng đến kết quả. Tuy nhiên, đây lại là cơ sở khoa học khá vững chắc để lý giải hiện tượng chiếc gương "sát thủ" ở Pháp.
Từ xa xưa, trong nhiều dân tộc ở châu Âu tồn tại quan niệm rằng làm vỡ gương là một điềm xấu. Dĩ nhiên, trong một gia đình êm ấm, những thông tin lưu giữ trong gương là những điều tốt đẹp và nếu đó là một chiếc gương lâu đời thì đó chính là cuốn biên niên sử của gia đình. Tuy nhiên, thử hình dung những người chủ thường sử dụng gương trong những thời điểm đặc biệt như khi đang tức giận, buồn bực, căm thù, oán hận... Khi đó, cơ thể bị kích hoạt rất mạnh, vì thế, nguồn năng lượng sinh học mà họ phát ra cũng mạnh tương ứng, rất dễ dàng hấp thụ vào gương để rồi sau đó phát ra. Nếu đó là gương phẳng thì tác hại không lớn lắm, nhưng nếu là gương lõm thì năng lực phát xạ có thể cao hơn gấp nhiều lần, mà tiêu điểm của gương chính là nơi hội tụ những tia năng lượng "xấu" này. Những chủ nhân về sau, dù hoàn toàn vô tội, nhưng nếu cơ thể họ ở vào đúng tiêu điểm của gương thì sẽ rất có hại, đặc biệt nếu tiêu điểm rơi vào đúng những bộ phận quan trọng của cơ thể như não, tim chẳng hạn thì sự nguy hiểm đến tính mạng là điều khó tránh khỏi.
(Theo Pravda)