Hà Nội: Khí độc hại Radon?

Nồng độ khí độc hại Radon trong nhà ở là một trong những tiêu chuẩn sống văn minh ngày càng được nhiều nước quan tâm. Hà Nội bắt đầu chú ý tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn của cuộc sống văn minh

Con người càng văn minh, nhu cầu về chất lượng cuộc sống càng lớn, càng đa dạng. Xã hội càng phát triển, số tiêu chuẩn mới về chất lượng sống của dân chúng xuất hiện càng nhiều và càng được cộng đồng quan tâm, đòi hỏi.

Theo quy luật đó, trong những năm gần đây, ở nhiều nước phát triển, dân chúng bắt đầu quan tâm đến phông phóng xạ môi trường nơi họ sống, đặc biệt quan tâm đến nồng độ khí Radon trong ngôi nhà họ ở, và xem đó như là một trong những tiêu chuẩn của cuộc sống văn minh.

Đã qua rồi cái thời mà con người vẫn tưởng chất phóng xạ ở đâu xa, không can hệ gì tới bản thân mình. Nay đã khác rồi, nhiều người đã biết rằng, quanh mình, khắp mọi nơi, đều có chất phóng xạ, chúng tồn tại ngay từ khi quả đất hình thành, loài người sinh ra, và có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe con người.

Các đồng vị phóng xạ có trong mọi loại đất đá, nước, không khí, thực phẩm, trong không gian ngôi nhà và ngay trong mỗi bộ phận của con người. Chủ yếu đó là nguyên tố phóng xạ tự nhiên Uran, Thori và các sản phẩm phân rã, tức con, cháu, chắt… của chúng (cũng là những đồng vị phóng xạ). Ngoài ra, còn một đồng vị phóng xạ khác nữa - Kali K-40 có nhiều trong rau, hoa quả và cơ thể người. 

Đường thâm nhập khí Radon trong ngôi nhà (màu đỏ). (Ảnh minh họa)

Chính các chất phóng xạ đó liên tục phát ra tia (hạt) bức xạ, như anpha, bêta, gamma… Các loại bức xạ đó không thể nhìn thấy được, nhưng từng giây từng phút chiếu lên cơ thể một liều chiếu xạ tổng cộng, có thể gây hại nếu vượt qua một giới hạn nhất định. Liều chiếu xạ càng cao, tác hại sẽ càng lớn. Liều chiếu xạ trung bình đối với các vùng dân cư ở các quốc gia trên thế giới, nói chung, nằm trong khoảng từ 2,1 đến 2,5 theo đơn vị mSv.

Không ít người đã ngần ngại, lo lắng hay thậm chí từ chối sống ở một vị trí địa lý mà liều chiếu xạ vượt quá nhiều giá trị trung bình của thế giới nói trên, chẳng hạn những vùng gần mỏ Urani.

Ở Hà Nội, theo các kết quả khảo sát bởi nhóm chuyên gia (N. Q. Long, T. T. Mai, D.V. Thắng, N.T. Hậu) của Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân, liều chiếu xạ nói trên cũng xấp xỉ với nhiều nước. Như vậy, có thể khẳng định rằng, môi trường phóng xạ tự nhiên ở Hà Nội là bình thường, hay nói cách khác, tiêu chuẩn về môi trường phóng xạ tổng quát ở Thủ đô có thể xem là tốt.

Vài nét về Radon

- Nguyên tố phóng xạ Radon (ký hiệu Rn), gồm các đồng vị phóng xạ Rn-222, Rn-220 và Rn-119 sinh ra trong quá trình phân rã của các hạt nhân bố mẹ Uranium và Thorium.

- Trong đó, độ nguy hiểm phóng xạ của khí Rn-222 lớn nhất do chu kỳ bán rã của nó là 3,8 ngày, đủ thời gian để chuyển vận từ nơi xuất hiện đến lúc vào phổi và tồn tại khá lâu trong cơ thể con người.

- Rn-220 và Rn-119 có chu kỳ bán rã ngắn hơn, chỉ 55 giây và 4 giây. Do đó độ nguy hiểm ít hơn.

Tuy vậy liều chiếu xạ tổng cộng nói trên chưa phải là tất cả. Đáng quan tâm hơn nữa là một nguyên tố phóng xạ tự nhiên – Radon (ký hiệu Rn). Chính nồng độ Radon mới ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ con người. Nồng độ Radon trong một căn phòng, một ngôi nhà đã trở thành một trong những tiêu chuẩn sống cần thiết của con người hiện đại.

Radon - “kẻ thù giấu mặt"

Ảnh hưởng lớn của Radon đối với sức khỏe chủ yếu vì Radon là một chất khí, chất khí đặc biệt, không chỉ là là một loại khí trơ mà là khí phóng xạ. Là khí trơ về hoá học, khi sinh ra, các nguyên tử Radon không liên kết với các nguyên tử vật chất khác trong các vật thể chủ, như vật liệu xây dựng, đất đá và những khoáng vật khác, nên chúng dễ dàng thoát qua các vết rạn và lỗ trống rất nhỏ trong các lớp đất; đá, tường và nền nhà rồi khuyếch tán vào không khí, vào các căn phòng của nhà ở, từ đó con người có thể hít vào phổi.

Cuối cùng các hạt nhân Radon phân rã thành chuỗi nhiều hạt nhân con cháu, trong đó nguy hiểm nhất là đồng vị phóng xạ Polonium Po-218.

P-218 phân rã alpha với chu kỳ bán huỷ 3,05 phút, đủ cho một vài chu trình thở trong hệ thống hô hấp của người, và chúng có thể bị lưu giữ tại phế nang.

Tại phế nang, Po-218 phân rã alpha. Các hạt alpha có năng lượng rất cao sẽ bắn phá nhân tế bào phế nang, gây ra các sai hỏng nhiễm sắc thể, tác động tiêu cực đến cơ chế phân chia tế bào. Mặt khác, các hạt nhân khi phân rã sẽ bị giật lùi, năng lượng giật lùi này có thể đủ để phá vỡ các phân tử protein trong tế bào phế nang.

Radon phát ra tia phóng xạ. (Ảnh minh họa)

Kết quả là xác suất gây ung thư do Radon gây ra khá cao. Nguy cơ ung thư phổi phát triển do sự chiếu xạ của Radon tuỳ thuộc vào lượng khí Radon mà chúng ta hít phải. Càng có nhiều Radon trong không khí, tác hại càng lớn. Ngoài ra, tác hại càng lớn hơn nếu khoảng thời gian chúng ta hít thở trong không khí chứa Radon càng lâu.

Với tất cả những đặc tính và tác hại nói trên, rõ ràng đối với sức khỏe con người Radon là “kẻ thù giấu mặt”. Radon đóng vai trò quan trọng nhất trong phông phóng xạ tự nhiên, đóng góp một liều chiếu từ 50% đến trên 80% liều chiếu xạ tự nhiên tổng cọng nói ở phần trên. Việc xác định nồng độ khí phóng xạ Radon có ý nghĩa rất quan trọng với mục đích giám sát, cảnh báo nguy cơ ung thư phổi đối với cộng đồng.

Các nguồn số liệu thu thập bởi nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới cho thấy: ngoài trời, nồng độ Radon thường đo trung bình trong một mét khối khoảng 10 đơn vị Bq/m3 (Berquerel là đơn vị hoạt độ phóng xạ, viết tắt Bq). Trong phòng ngủ, tầng hầm, mỏ khoáng sản… nồng độ Radon có thể dao động từ 20 đến 10.000 Bq/m3, hoặc nhiều hơn nữa. Những nơi chứa nồng độ Radon lớn chính là trong các ngôi nhà làm bằng vật liệu chứa hàm lượng Uranium cao, căn phòng bịt kín không thoáng mát, các tầng hầm của các tòa nhà lớn… và đặc biệt là ở trong các hầm mỏ khai thác Uranium.

Hiện nay, Việt Nam chưa khuyến cáo mức nồng độ Radon giới hạn cần can thiệp để giảm xuống thấp hơn, trong lúc nhiều nước phát triển đã có quy định pháp lý. Ở các nước châu Âu mức đó là 200 Bq/m3. Riêng với Mỹ tiêu chuẩn này khắt khe hơn, theo Luật Môi trường Mỹ cho phép khí Radon trong nhà ở nhỏ hơn 75 Bq/m3.

Nồng độ Radon ở Hà Nội?

Trong khuôn khổ dự án nghiên cứu do Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội chủ trì, nồng độ khí phóng xạ Radon tại nhiều điểm, ngoài trời và trong nhà khu vực Hà Nội (cũ) cũng đã được khảo sát bởi nhóm nghiên cứu nói trên của Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân.

Nồng độ khí Radon ngoài trời ở 231 địa điểm khác nhau đã được đo. Kết quả xác định được nồng độ Radon trung bình ở Hà Nội là 17 đơn vị Bq/m3. Nơi đo thấp nhất là 4 đơn vị Bq/m3 và nơi đo cao nhất là 58 Bq/m3.

Quan trọng nhất là Radon trong nhà ở. Nhóm nghiên cứu đã đặt đêtectơ theo dõi Radon ở 40 căn phòng của thành phố Hà Nội trong 3 tháng liên tục, 2 lần vào năm 2007 và 2008. Kết quả cho thấy nồng độ Radon ở nơi thấp nhất đo được là 7,2 Bq/m3, nơi cao nhất là 138 Bq/m3 và trung bình là 38,3 Bq/m3 (Ở các nước trên thế giới và khu vực khoảng 26 Bq/m3). 

Đo nồng độ khí Radon trong phòng ngủ 
(Ảnh: Đặng Thanh Lương)

Kết quả khảo sát nồng độ Radon trong nhà (và cả ngoài trời) lần này cao hơn khảo sát trước đây, năm 1996, bởi nhóm đề tài KC.09.18. Sự tăng cao này liên quan đến sự phát triển mật độ nhà, sự xuất hiện nhiều nhà cao tầng và phổ biến hơn trước trong việc dùng phòng lạnh kín. Tất cả những yếu tố trên đều tăng lượng Radon từ vật liệu xây dựng phát ra và lưu giữ chúng lâu trong các gian phòng.

Dù sao, các số liệu khảo sát Radon ở Hà Nội cũng có thể xem như tương đương với ở các khu dân cư ở các nước trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, chưa gây điều gì đáng quan ngại cho cộng đồng dân cư Thủ đô.

Tất nhiên, cũng cần lưu ý đến sự xuất hiện nồng độ Radon tương đối cao (138 Bq/m3) ở một căn phòng Hà Nội, con số đó vượt quá tiêu chuẩn quy định của nước Mỹ. Chắc đây chưa phải là trường hợp có độc hại Radon cao duy nhất, vì chỉ mới có một số lượng rất nhỏ, 40 căn phòng ở Hà Nội được khảo sát. Hẳn sẽ còn có nhiều căn phòng, ngôi nhà có nồng độ Radon vượt quá con số 138 Bq/m3 nói trên.

Điều này đặt ra nhu cầu tiếp tục khảo sát với một mật độ dày hơn nữa các căn phòng, với các ngôi nhà xây dựng bằng vật liệu khác nhau, kết cấu khác nhau, cao độ khác nhau, vị trí địa lý khác nhau. Để từ đó có những kết luận đầy đủ hơn, chuẩn xác hơn.

Và từ đó rút ra được những kết luận có ý nghĩa, đưa ra những khuyến cáo bổ ích cho cộng đồng dân cư ở Thủ đô. Bắt đầu từ Hà Nội và dần dần mở rộng ra các địa phương khác. Đồng hành với xu hướng tăng dần từ những tiêu chuẩn sống tối thiểu của một thời kỳ chỉ lo "cơm áo" đến những tiêu chuẩn sống cao hơn của thời đại văn minh của Việt Nam chúng ta. 

Đo Radon

a/ Đo Radon ngoài trời bằng máy đo anpha trực tiếp.

- Sử dụng máy đo Alpha Guard (hãng Genitron), đọc chuẩn bằng buồng chuẩn Rn 101 lít (hãng Genitron), với nguồn chuẩn Rn (Standard Reference Materrial 4973).
- Phụ thuộc nhiều yếu tố như thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất… kết quả đo thay đổi từ 4 Bq/m3 đến 58 Bq/m3, trung bình là 17 Bq/m3 với sự thăng giáng khoảng 9 Bq/m3.

b/ Đo nồng độ Radon trong nhà bằng phương pháp đetectơ vết hạt nhân.

- Treo đêtectơ vết (bằng vật liệu nhựa và nhạy cảm với anpha) trong phòng, tia anpha của Radon sẽ chiếu và tạo vết liên tục trong vòng ba tháng, sau đó dùng hóa chất xử lý để hiện vết và đếm vết trên kính hiển vi.
- Từ mật độ vết (mật độ vết/cm2) tính ra nồng độ Radon trong phòng,
- Kết quả thu được cho biết nồng độ Radon trung bình trong nhà ở Hà Nội, các năm 2007 và 2008, là 38,3 Bq/m3.

Theo Trần Thanh Minh - Vietnamnet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video