Hai thảm kịch khiến NASA cân nhắc cách đón phi hành đoàn Boeing

Hai sự cố chết người với tàu con thoi Challenger và Columbia thôi thúc NASA cân nhắc thật cẩn thận để đảm bảo an toàn cho phi hành gia.

Hai phi hành gia NASA Suni Williams và Butch Wilmore đã bay tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bằng tàu Starliner của Boeing ngày 5/6, dự định hoạt động trên trạm khoảng một tuần. Nhưng giờ đây, họ sẽ phải sống ngoài không gian lâu hơn nhiều với kế hoạch trở về Trái đất sớm nhất vào tháng 2/2025.


Tàu Starliner của Boeing tiếp cận Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) để ghép nối đầu tháng 6. (Ảnh: NASA TV)

Chuyến bay hôm 5/6 là chuyến bay chở người đầu tiên của Starliner lên quỹ đạo. Những trục trặc liên quan đến động cơ đẩy của con tàu khiến thời điểm trở về của Williams và Wilmore liên tục bị hoãn. Cuối cùng, trong buổi họp báo hôm 24/8, NASA thông báo hai phi hành gia này sẽ trở về Trái đất bằng tàu Dragon của SpaceX. Quyết định này được đưa ra dựa trên những bài học từ hai thảm họa tàu con thoi Challenger và Columbia của NASA.

"Điều đó đã ảnh hưởng đến quyết định của tập thể này và tất cả những người tham gia Đánh giá Sẵn sàng Thử nghiệm Chuyến bay. Mọi người đang nỗ lực thay đổi văn hóa dẫn đến việc tổn thất Challenger, sau đó đến Columbia, khi những lỗi sai rõ ràng không được đưa ra", Bill Nelson, giám đốc NASA, cho biết.

Tháng 1/1986, tàu con thoi Challenger phát nổ sau khi phóng 73 giây, giết chết phi hành đoàn 7 người. Vụ tai nạn do nhiệt độ lạnh khác thường ở mũi Canaveral khiến một số vật liệu dùng để bịt kín của tên lửa mất độ mềm dẻo. "Khí nóng rò rỉ ra ngoài, khiến bình nhiên liệu đẩy cháy và gây ra một vụ nổ lớn", Jim Hermanson, giáo sư hàng không và du hành vũ trụ tại Đại học Washington, nói.

Một sự cố chết chóc khác xảy ra vào tháng 2/2003, khi tàu con thoi Columbia vỡ nát trong hành trình trở về Trái đất, giết chết 7 thành viên phi hành đoàn. Trước khi xảy ra thảm họa này, các giai đoạn trở lại khí quyển (hồi quyển), lao xuống và hạ cánh được cho là "nhẹ nhàng", nhất là khi so sánh với giai đoạn phóng cực kỳ dữ dội.

Các kỹ sư NASA biết rằng một miếng xốp - dùng để cách nhiệt thùng nhiên liệu lớn màu cam của tàu con thoi - bong ra trong vụ phóng ngày 16/1/2003, va vào tàu Columbia. NASA khi đó cho rằng vật liệu cách nhiệt nhẹ này có thể không gây tổn thất đáng kể. Tuy nhiên, đây là một đánh giá sai lầm. Cuộc điều tra sau đó hé lộ, miếng xốp đã va vào cánh trái của tàu Columbia trong quá trình phóng, làm hỏng hệ thống bảo vệ nhiệt của con tàu.


Các mảnh vỡ từ tàu con thoi Columbia nằm rải rác trên sàn nhà của kho chứa RLV tại Trung tâm vũ trụ Kennedy, bang Florida, tháng 5/2003. (Ảnh: NASA).

Nelson chia sẻ, trước khi phóng tàu Challenger, một số kỹ sư đã bày tỏ lo ngại về các thành phần của tàu và việc phóng trong thời tiết rất lạnh nhưng bị bỏ qua. Với Columbia, một số chuyên gia NASA đề nghị chụp ảnh phần cánh bị hư hại trên quỹ đạo, nhưng cuối cùng, quá trình hồi quyển vẫn được tiến hành mà không có thêm bất cứ cuộc kiểm tra nào, và thảm kịch đã xảy ra.

Phó giám đốc NASA, Jim Free, lưu ý rằng cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu vấn đề với động cơ đẩy của Starliner. "Vẫn có những sự không chắc chắn trong hiểu biết của chúng tôi về quá trình vật lý diễn ra trong các động cơ đẩy. Chúng tôi vẫn còn những việc cần làm", Free cho biết.

Tàu Dragon Crew-9 của SpaceX sẽ được điều chỉnh để đủ chỗ cho các phi hành gia Starliner, cho phép họ trở về nhà vào đầu năm sau. Tháng 9, con tàu dự kiến cất cánh chỉ với hai phi hành gia thay vì 4 như thường lệ. Cũng trong tháng 9, NASA và Boeing sẽ phối hợp để đưa tàu Starliner rỗng về Trái đất, với mục tiêu hạ cánh tại cảng vũ trụ White Sands, bang New Mexico, Mỹ.

Cập nhật: 30/08/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video