Khô hạn kéo dài kèm theo tình trạng cháy rừng trên diện rộng đang làm giảm khả năng hấp thu carbon của vùng rừng mưa lớn nhất thế giới Amazon. Không những thế, Amazon còn có nguy cơ biến thành nguồn phát thải carbon gây hại cho môi trường thay vì là nơi hấp thu carbon. Đây là kết luận của một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí khoa học Nature.
Sử dụng hình ảnh rừng Amazon ở 4 địa điểm khác nhau được chụp từ máy bay định kỳ 2 lần/tuần trong khoảng thời gian 2 năm, nhóm nghiên cứu quốc tế phát hiện ra rằng vào những năm mưa nhiều, những cánh rừng Amazon đều đạt trạng thái gần như trung lập carbon, tuy nhiên vào những năm khô hạn, chúng lại trở thành nguồn phát thải carbon do cây cối tăng trưởng chậm và cháy rừng bùng phát.
Rừng mưa Amazon (Ảnh: rainforests.mongabay.com)
“Amazon đang biến đổi khi có nhiều hơn những năm cực kỳ ẩm ướt và cực kỳ khô hạn. Nếu xu hướng này tiếp diễn, Amazon có thể sẽ trở thành một nguồn phát thải carbon, tiếp tay cho biến đổi khí hậu thay vì đóng vai trò là bể chứa carbon như trước đây” – ông John Miller thuộc Viện Hợp tác Nghiên cứu Khoa học Môi trường (CIRES) bày tỏ sự lo ngại.
Lý do nhóm nghiên cứu chọn năm 2010 và 2011 để theo dõi là bởi 2010 là một năm hạn hán khắc nghiệt ở vùng rừng Amazon, còn 2011 lại là một năm mưa nhiều, ẩm ướt. Đây cũng là lần đầu tiên nhóm khảo sát sự cân bằng carbon trên phạm vi toàn lưu vực trong 2 năm khô hạn và ẩm ướt nối tiếp nhau.
Năm 2010, cháy rừng ở Amazon đã làm phát thải khoảng 500 triệu tấn carbon vào bầu khí quyển, nhiều hơn năm 2011 khoảng 200 triệu tấn carbon. Đồng thời, năm 2010 rừng Amazon cũng hấp thu được ít CO2 hơn so với năm 2011 vì thiếu nước để quang hợp.
Để nắm bắt xu hướng trên có còn tiếp diễn ở lưu vực này hay không, bà Luciana Gatti, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng giới khoa học cần tiến hành những nghiên cứu sâu hơn và cũng cần những nỗ lực dài hơi hơn để nắm bắt một cách đầy đủ tình trạng cân bằng carbon của khu vực này trong tương lai.