EPIC 228813918 b quay một vòng quanh sao mẹ hết 4,5 giờ, nên một ngày ở Trái đất tương đương 5 năm ở hành tinh này.
Một nhóm nhà khoa học quốc tế khi sử dụng dữ liệu thu được từ kính viễn vọng không gian Kepler của NASA để đo lường quỹ đạo các hành tinh ở xa phát hiện hành tinh EPIC 228813918 b ngoài Hệ Mặt trời quay nhanh hơn gấp nhiều lần Trái đất. Kết quả nghiên cứu sau đó được gửi đến tạp chí khoa học Monthly Notices thuộc Hội Thiên văn Hoàng gia Anh, theo MSN.
Một hành tinh quay quanh sao lùn loại M. (Ảnh: NASA).
Hành tinh EPIC 228813918 b quay xung quanh một sao lùn loại M có tên EPIC 228813918. Với thời gian hoàn thành một vòng quỹ đạo chỉ chưa đầy 4,5 tiếng, một ngày ở Trái đất sẽ tương đương hơn 5 năm trên hành tinh này. Bởi vậy nếu sống trên EPIC 228813918 b, con người có thể đạt tuổi thọ tới 150.000 năm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng bức xạ mạnh tạo ra khi hành tinh EPIC 228813918 b chuyển động quá gần sao mẹ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống ở đây. Nếu sinh hoạt theo lối sống thông thường, mỗi lần đặt lưng bạn sẽ ngủ tới 2 năm, nên 150.000 năm đó sẽ trôi qua rất nhanh.
Điều thú vị là EPIC 228813918 b có kích thước xấp xỉ Trái đất với thành phần cấu tạo ước tính gồm 45% sắt. Nhưng đây vẫn chưa phải hành tinh có quỹ đạo ngắn nhất từng được phát hiện. Hành tinh KOI 1843.03, quay xung quanh sao lùn mẹ loại M với thời gian nhanh hơn 4 phút, cũng có kích thước tương đương và thành phần cấu tạo gồm rất nhiều sắt.