Các nhà thiên văn phát hiện hành tinh bằng sao Mộc quay quanh ngôi sao nhỏ bằng nửa Mặt Trời, trái với giả thuyết về sự hình thành hành tinh.
NGTS-1b, hành tinh khí nóng tới 986 độ quay quanh sao lùn đỏ quang phổ M cách Trái Đất 600 năm ánh sáng, là hành tinh lớn nhất so với kích thước sao chủ từng được phát hiện, Fox News hôm qua đưa tin.
Minh họa hành tinh NGTS-1b. (Ảnh: Đại học Warwick).
Phát hiện trái ngược với giả thuyết thiên văn kết luận một ngôi sao quá nhỏ không thể tạo ra một hành tinh quá lớn. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng những ngôi sao nhỏ có thể cho ra đời hành tinh đá, nhưng chúng không thu thập đủ vật chất để tạo nên hành tinh lớn như sao Mộc.
Do sao lùn đỏ quang phổ M là loại phổ biến nhất trong vũ trụ, nhóm nghiên cứu suy đoán có thể còn nhiều hành tinh tương tự. NGTS-1b được một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế tìm thấy nhờ sử dụng thiết bị Khảo sát chuyển động đi ngang thế hệ mới (NGTS) ở Chile, theo báo cáo của Đại học Warwick, Anh.
Hành tinh này ở cách ngôi sao chủ khoảng 4,5 triệu km, chỉ bằng 3% khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời (150 triệu km). Một năm trên NGTS-1b, thời gian để hành tinh quay quanh sao chủ, bằng 2,6 ngày trên Trái đất.
"Phát hiện NGTS-1b hoàn toàn là một bất ngờ đối với chúng tôi. Những hành tinh lớn như vậy được cho là không thể tồn tại quanh ngôi sao nhỏ đến vậy. Đây là ngoại hành tinh đầu tiên chúng tôi tìm thấy bằng thiết bị NGTS mới và chúng tôi đang thay đổi hiểu biết trước đây về cách các hành tinh hình thành", tiến sĩ Daniel Bayliss ở tổ Thiên văn và Vật lý thiên văn tại Đại học Warwick, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
"Dù là một hành tinh quái vật, NGTS-1b rất khó phát hiện vì ngôi sao mẹ rất nhỏ và mờ. Những ngôi sao nhỏ là loại phổ biến nhất trong vũ trụ, vì vậy có thể còn nhiều hành tinh khổng lồ kiểu này đang chờ khám phá", giáo sư Peter Wheatley đến từ Đại học Warwick, nói.