Điều kiện sống của người dân Qatar từng khiến nhà báo Mỹ Scott Pelley phải thốt lên: "Cuộc sống như ở thiên đường vậy".
"Như ở thiên đường"
Trong bài viết đăng trên Telegraph, nhà báo Anh Victoria Scott, người từng có 6 năm sống ở Qatar đã chia sẻ những gì cô mắt thấy, tai nghe ở đất nước vùng Vịnh nhỏ bé này.
Theo Scott, ở Qatar người ta không cần phải ra khỏi xe để đổ xăng. Sẽ có nhân viên trạm xăng làm việc đó, kể cả giữa mùa hè nắng nóng, khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 50 độ C. Hơn nữa, xăng ở đó còn rẻ hơn nước đóng chai. Scott nói: Để đổ đầy 1 chiếc SUV 4x4 – khoảng 100 lít xăng - chỉ cần 10 bảng, tương đương 300.000 đồng (2012).
Nếu bạn đỗ xe trước cửa nhà hàng và bấm còi, sẽ có người tới ghi món và mang tới cho bạn khi mọi thứ xong xuôi.
Scott từng hỏi người theo dõi mình trên Twitter rằng: "Với họ, sống ở Qatar nghĩa là như thế nào?" và cô nhận được những câu trả lời như: Mua iPhone không cần nghĩ hoặc đi nghỉ dưỡng mà không có tiện ích 5 sao thì "không chuẩn".
Theo Business Insider, khi cần mua một món hàng hiệu nào đó không có sẵn ở Qatar, người dân nước này sẵn sàng đáp máy bay tới Dubai, thậm chí châu Âu để mua món hàng mình muốn.
Điều kiện sống của người dân Qatar từng khiến Scott Pelley, host chương trình 60 minutes của đài CBS (Mỹ) phải thốt lên: "Nghe như cuộc sống ở thiên đường vậy".
Người dân Qatar không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Điện, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đều miễn phí. Thậm chí, như chia sẻ của Thủ tướng Qatar Sheik Hamid bin Jasim, kể cả khi người dân qua đời, tang lễ của họ cũng sẽ do Chính phủ chi trả: "Mọi thứ đều miễn phí. Điều đó đã trở thành một phần trong văn hóa của chúng tôi".
Vậy người dân Qatar giàu tới mức nào?
Dân số của Qatar ở vào khoảng 2,6 triệu nhưng chỉ có 313.000 người là gốc Qatar, theo nghiên cứu mới đây của Jure Snoj. Và những người này có mức thu nhập trung bình năm lên tới 400.000 USD (hơn 9 tỷ đồng) dù 92% người dân trong độ tuổi lao động chỉ làm việc trong các cơ quan công quyền, chính phủ.
GDP bình quân đầu người năm 2016 của Qatar đứng đầu thế giới ở mức 155.000 USD. Hoàng gia Qatar sở hữu nhiều bất động sản giá trị ở London (Anh) hơn cả hoàng gia Anh.
Thủ tướng Qatar Sheik Hamid bin Jasim.
Nguyên do là bởi đất nước Ả rập nhỏ bé chỉ bằng kích thước của bang Connecticut, Mỹ (gấp khoảng 3 lần Hà Nội) nằm trong top đầu những quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của thế giới: dầu mỏ và khí đốt.
Từ lều trại thành đô thị, từ lạc đà lên Boeing 747
Sự chuyển mình của Qatar không phải một quá trình kéo dài. Fahad al Attiyah, một trong những cố vấn của Hoàng gia Qatar cho biết, sự thay đổi ấy diễn ra chỉ trong khoảng thời gian của một thế hệ.
"Điều kỳ diệu là thời của bố tôi đã chuyển từ sống trong lều thành sống ở môi trường đô thị, từ việc di chuyển bằng lạc đà, giờ chúng tôi di chuyển bằng Boeing 747. Thay đổi như vậy chỉ trong khoảng thời gian ngắn thực sự rất đáng ngạc nhiên".
Đánh bắt ngọc trai ở Qatar.
Trước kia, Qatar vốn là một đất nước nghèo nàn nhỏ bé, nơi trú ngụ của vài nghìn ngư dân đánh bắt ngọc trai và các bộ lạc du mục.
Từ đầu thế kỷ 20, khi trở thành lãnh thổ bảo hộ thuộc Anh, Qatar đã nằm dưới quyền cai trị của gia tộc Al-Thani, bắt đầu với Sheikh Abdullah Bin Qassim Al-Thani từ 17/7/1913. Ở thời điểm đó, ngành công nghiệp chính của Qatar là đánh bắt ngọc trai và cá. Quốc gia này chìm trong nghèo đói và bệnh tật khi nghề ngọc trai lụi bại vào những năm 1920.
Việc tìm ra dầu khí vào năm 1940 đã bắt đầu đem tới sự giàu có nhưng phát hiện ấy không là gì so với lượng dự trữ khí đốt tự nhiên được tìm thấy 30 năm sau đó.
Mỏ khí đốt North Field của Qatar.
Năm 1971, mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới South Pars/North Dome được phát hiện ngoài khơi Qatar. Lúc đó các sản phẩm xăng dầu vẫn được ưa chuộng nên mỏ khí đốt này chưa được phát triển, nhưng nhờ có North Field (một phần của mỏ South Pars/North Dome), Qatar trở thành nước có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ ba thế giới với khoảng 896 nghìn tỉ khối.
Tới năm 1980, giá dầu bất ngờ giảm mạnh khiến kinh tế Qatar bị chững lại. Cuộc khủng hoảng đã buộc Qatar phải khai thác mỏ khí đốt North Field vào năm 1989. Tuy nhiên, phải tới năm 1995, khi Sheikh Hamad bin Khalifa Al-Thani lên nắm quyền thì Qatar mới "lột xác".
Vậy quốc vương Hamad đã làm thế nào để nâng tầm ảnh hưởng của Qatar?
Đầu tiên, ông để Mỹ thiết lập trung tâm quân sự đầu não của mình ở ngay ngoại ô thủ đô Doha. Năm 1996 Qatar xây dựng căn cứ không quân khổng lồ trị giá tỉ đô Al-Udeid, nơi đặt sở chỉ huy Bộ tư lệnh Trung tâm và cơ sở hậu cần của quân đội Mỹ. Quan hệ đối tác với Mỹ đã giúp Qatar đạt mức độ an ninh chưa từng có tiền lệ.
Căn cứ quân sự Al-Udeid.
Trong khi quốc vương trước đó tránh can thiệp vào các vấn đề quốc tế vì sợ làm mất lòng các nước láng giềng quyền lực, thì Hamad lại có lập trường khác. Ông cho rằng sống cam chịu cũng có thể gặp nhiều nguy hiểm.
Cũng trong năm này, quốc vương Hamad cho ra đời Al Jazeera – hãng thông tấn đưa tin 24/24 giờ theo góc nhìn Hồi giáo.
"Al Jazeera đã thể hiện Qatar với một vai trò quan trọng trong khu vực", William Youmans, một chuyên gia truyền thông tại đại học George Washington cho hay, "Điều đó thực sự nhằm đề cao hình ảnh, uy tín và tầm ảnh hưởng của Qatar".
Sau đó, quốc vương Hamad tiếp tục đưa Qatar tiếp cận sâu, rộng với nền kinh tế toàn cầu. Một trong những việc đầu tiên mà Sheikh Hamad làm là đẩy mạnh phát triển mỏ khí đốt North Dome. Lúc này Qatar mới bắt đầu xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lần đầu tiên.
Quốc vương Sheikh Hamad bin Khalifa Al-Thani, lãnh đạo Qatar 1995-2013.
Ông cho xây dựng những cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới để xử lý nhiên liệu tự nhiên hóa lỏng, mặt hàng đang được xuất khẩu tới châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ. Trong vòng 15 năm, 14 cơ sở đã được xây dựng trong khuôn khổ hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài.
Nhờ dầu mỏ và khí đốt, Qatar đã tích lũy được 170 tỉ USD. Với khoản tiền này, Qatar tiếp tục mở rộng đầu tư. Năm 2003, Qatar thiết lập công ty nhà nước Ủy quyền Đầu tư Qatar (QIA) để điều phối doanh thu từ dầu khí với các dòng thu nhập khác.
QIA đã đầu tư lớn vào các ngân hàng và doanh nghiệp lớn như Barclays, Credit Suisse, Harrods, Porsche, Volkswagen, đồng thời nắm phần lớn cổ phần của đội bóng Paris Saint-Germain.
Tới năm 2006, 35 năm sau khi phát hiện ra mỏ khí đốt, Qatar đã vượt qua Indonesia, trở thành nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. Doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm tới 60% GDP của Qatar.
Diện mạo của Qatar thay đổi một cách nhanh chóng. Doha của năm 1977 khác xa Doha hiện đại, hào nhoáng hiện tại. Thế nhưng, liệu Qatar rồi sẽ trở thành Hong Kong của Trung Đông hay lún vào "vũng lầy" bất ổn của khu vực đầy phức tạp này vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.