Fukushima là khu vực chịu thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ năm 1986. Sau trận sóng thần hồi tháng Ba, một nhà máy điện hạt nhân tại đây đã bị hư hỏng, khiến phóng xạ rò rỉ vào không khí, đất và biển, làm hàng ngàn người buộc phải rời nhà cửa đi sơ tán.
Mới đây, các du khách đặc biệt bao gồm Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp Pháp, Eric Besson cùng phái đoàn được dẫn đi tham quan các thị trấn hoang vắng xung quanh nhà máy hạt nhân Fukushima bằng xe buýt. Một nhân viên nhà máy - người trong trang phục bảo hộ trắng kín mít - đi cùng để hướng dẫn đoàn, giơ tay thể hiện mức độ bức xạ đang tăng lên.
Tiến vào khu vực chịu thảm họa, các du khách có thể bắt gặp nhiều ngôi nhà giống những ngôi nhà bình thường ở bất cứ nơi nào tại Nhật Bản. Nhưng điều khác biệt là không ai sống ở đó trong gần một năm nay. Thỉnh thoảng một con vật nuôi xuất hiện trong khu vườn. Nó phải vất vả để duy trì sự tồn tại bởi người chủ của nó đã di tản khỏi khu vực nguy hiểm này để được an toàn từ tháng Ba.
Đoàn du khách và một phóng viên AFP ngồi lặng yên trên xe buýt, trong bộ trang phục được thiết kế để tránh nguy cơ nhiễm phóng xạ lên da, quần áo hay tóc. Họ trông thấy những cây thông đứng thẳng hàng ở lối vào nhà máy Fukushima Daiichi - cái tên gây nhiều chú ý của cộng đồng thế giới từ khi thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong 25 năm qua xảy ra.
Tiến vào khu vực chịu thảm họa, các du khách có thể bắt gặp nhiều ngôi
nhà giống những ngôi nhà bình thường ở bất cứ nơi nào tại Nhật Bản.
Mức độ bức xạ đang gia tăng. Một số du khách tỏ vẻ lo lắng và điều chỉnh trang phục bảo hộ chặt chẽ hơn trên cổ. Sau đó, họ được phát thiết bị mặt nạ đầy đủ để bảo vệ mắt, mũi và miệng.
Vụ nổ khí hydro sau thảm họa sóng thần hồi tháng Ba đã phá hủy nhà máy điện hạt nhân, đồng thời góp phần tạo các mảnh kim loại và đống rác vụn xung quanh tòa nhà.
Chuyến đi mất năm phút để đến trung tâm điều khiển nhà máy điện hạt nhân. Tòa nhà được bố trí khoảng 3.000 nhân viên xung quanh. Một phần trong số họ có nhiệm vụ chế ngự các lò phản ứng. Tại phòng điểu khiển trung tâm, Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp Pháp, Eric Besson được thông báo về nỗ lực làm nguội lò phản ứng hạt nhân. Một dự án mà người lạc quan nhất cũng cho rằng phải mất vài thập kỷ.
Ông Besson là chính trị gia nước ngoài đầu tiên đặt chân vào bên trong nhà máy kể từ khi thảm họa xảy ra. Ông kêu gọi lòng can đảm từ các nhân viên và công nhân của công ty điện Tokyo - những người dành phần lớn thời gian tại khu vực nhà máy.
“Tại Pháp, năng lượng hạt nhân đáp ứng 80% nhu cầu về điện. Do đó, thảm họa tại nhà máy hạt nhân Fukushima là sự cảnh báo lớn. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục tin tưởng vào một chương trình năng lượng hạt nhân dân sự hoạt động an toàn nhất có thể. Chúng tôi đang dựa vào các bạn để làm sống dậy lĩnh vực này", Besson nói với công nhân.
Đối với Nhật Bản, chúng ta khó có thể sớm đưa ra một giải pháp hiệu quả cho vấn đề năng lượng. Ngoài một số lò phản ứng hoạt động độc lập, các lò phản ứng còn lại trong 54 lò phản ứng đang hoạt động trên toàn Nhật Bản cũng làm dư luận lo lắng về an toàn công nghệ. Ngày 11/03 là kỷ niệm một năm thảm họa sóng thần tại Nhật Bản, chúng ta hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
Quay trở lại xe buýt, Bộ trưởng và phái đoàn của ông tháo bỏ mặt nạ của họ. Người hướng dẫn cho họ xem số đo bức xạ một lần nữa.
Hành khách chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ xe buýt khi họ vượt qua cánh cổng của nhà máy và trở lại khu đất không một bóng người xung quanh tòa nhà - nơi mà hàng chục ngàn người bị buộc phải rời xa ngôi nhà của mình để được an toàn.
Một số khu vực tại đây, người dân sẽ được phép trở về vào năm tới nhưng một số nơi sẽ không thể ở được trong vòng 30 năm sau.
Chiếc xe buýt tiếp tục hành trình trở về, đi qua các làng trống, những ngôi nhà hoang. Và mức độ bức xạ bắt đầu giảm.