Nếu các hành tinh thuộc hệ HD 98800 ra đời và sở hữu sự sống như Trái đất, những người ngoài hành tinh này có thể chiêm ngưỡng cùng lúc 4 mặt trời mọc mỗi bình minh.
Hệ thống kính viễn vọng mặt đất mạnh nhất thế giới ALMA đặt tại Chile, thuộc sở hữu của Châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Chile vừa bắt được khoảnh khắc vô cùng độc đáo có thể là sự khởi đầu của một hệ hành tinh có kết cấu chưa từng thấy.
Một đĩa hình thành hành tinh quay quanh 2 cặp sao vừa được kính viễn vọng ALMA ghi nhận - (ảnh đồ họa của Mark Garlick/University of Warwick).
Thông thường mỗi hệ hành tinh sẽ có 1 sao mẹ, giống như Trái đất và các hành tinh anh em quay quanh mặt trời. Nhưng trong dữ liệu ALMA thu thập được, một đĩa hình thành hành tinh đang quay quanh cùng lúc 2 cặp sao nhị phân.
Hệ thống kỳ lạ này được đặt tên là HD 98800, cách chúng ta 146 năm ánh sáng. Nếu các hành tinh được thành hình như chúng ta mong đợi và trên một hành tinh nào đó có sự sống, những người ngoài hành tinh này có thể ngắm nhìn tận 4 mặt trời mỗi buổi sáng.
Mô phỏng cảnh quan khi một hành tinh hình thành và 1 trong 2 cặp "Mặt trời" có thể quan sát từ đó - (ảnh đồ họa của Mark Garlick/University of Warwick).
Đĩa hình thành hành tinh vốn là một vòng vật chất gồm vô số khí, bụi, quay quanh sao mẹ trong thời hệ hành tinh còn non trẻ để rồi dần tụ lại thành vài hành tinh.
Theo nhà thiên văn Grant Kennedy (đến từ Đại học Warwick (Anh), thành viên nhóm nghiên cứu), đĩa hình thành hành tinh xuất hiện quanh hầu hết các ngôi sao trẻ. Ít nhất 1/3 đĩa này sẽ dần hóa thành các hành tinh, biến ngôi sao thành trung tâm của một "Hệ Mặt trời" khác.
Đĩa hình thành hành tinh vừa tìm thấy còn đặc biệt ở chỗ chúng không nằm trên một mặt phẳng với vòng quay tự thân của sao mẹ - như cách các hành tinh trong Hệ Mặt trời di chuyển trên một chiếc đĩa phẳng quanh xích đạo của ngôi sao này – mà nằm dọc, theo phương vuông góc với các đĩa hành tinh thông thường khác. Theo các kết quả mô phỏng trên máy tính, điều này có thể xảy ra ở các hệ hành tinh có từ 2 sao mẹ trở lên.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.