Một hệ thống chắn lũ tự động dài 300m - dài nhất thế giới - đã được đưa vào thử nghiệm tại thành phố cảng lâu đời Spakenburg, miền Trung Hà Lan.
Phát biểu trước báo giới ngày 6/11, Giám đốc Chương trình Phòng chống bão lụt Hà Lan Roeland Hillen cho biết đây là giải pháp chắn lũ hoàn hảo giúp bảo vệ các khu vực hay chịu ảnh hưởng của bão lũ, đặc biệt là các khu vực thành thị khi biện pháp củng cố đê điều không hiệu quả.
Hệ thống đê tự động dài 300m của Hà Lan.
Công trình này tiêu tốn 7 triệu EUR, gấp 3 lần việc xây dựng hệ thống đê truyền thống. Là sáng kiến mới nhất nhằm bảo vệ các vùng đất trũng tại Hà Lan, đây là lần đầu tiên kỹ thuật chắn lũ này được áp dụng tại "đất nước cối xay gió" cũng như trên thế giới.
Khi nước rút, hệ thống tự động hạ xuống trước khi thu vào trong lề đường.
Trước sự chứng kiến của người dân địa phương và báo giới, hệ thống chắn lũ đã tự động nâng lên độ cao 80cm trong vòng 20 phút trong khi nước được bơm vào các khoang chứa bên dưới, mô phỏng gần tương tự như khi lũ tràn vào khu vực. Khi nước rút, hệ thống tự động hạ xuống trước khi thu vào trong lề đường. Phần duy nhất nhô ra khỏi mặt đất là phần mái làm bằng thép ở phía trên cùng. Do nằm ẩn trong lòng đất nên sự tồn tại của hệ thống chắn lũ này không ảnh hưởng tới cảnh quan hay môi trường sống của một trong những vùng du lịch nổi tiếng tại Hà Lan.
Do nằm ẩn trong lòng đất nên sự tồn tại của hệ thống chắn lũ này không ảnh hưởng tới cảnh quan hay môi trường xung quanh.
Với địa hình thấp hơn mực nước biển, Hà Lan từng có kinh nghiệm đau thương sau trận lụt lịch sử năm 1953 khiến gần như toàn bộ vùng duyên hải phía nam bị nhấn chìm và hàng nghìn người thiệt mạng. Kể từ đó, công tác phòng chống bão lụt trở thành vấn đề trọng điểm của quốc gia này.
Chính phủ Hà Lan hiện đầu tư hơn 1 tỷ EUR/năm cho công tác trị thủy, thoát nước, trữ nước ngọt và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó 400 triệu EUR dành cho công tác phòng chống bão lụt. Cho tới nay, Hà Lan là quốc gia có hệ thống đê chắn dài nhất thế giới (22.500km) với nhiều công nghệ cải tiến và các giải pháp đột phá để có thể chung sống hòa bình với "mẹ" thiên nhiên.