Tàu vũ trụ của Ấn Độ vừa gửi về Trái đất hình ảnh 3D đầu tiên về sao Hỏa. Trước đó, con tàu này đã trở thành niềm tự hào của đất nước Nam Á khi bay vào quỹ đạo sao Hỏa thành công và gửi về một số ảnh màu chụp bề mặt hành tinh đỏ.
Cơ quan Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) vào hôm 8/10 đã công bố bức ảnh 3D chụp sao Hỏa trên trang Facebook của mình, đồng thời hướng dẫn mọi người cách xem ảnh với mắt kính 3D, theo UPI.
Hình ảnh 3D đầu tiên của sao Hỏa do tàu Mars Orbiter Mission chụp được - (Ảnh: ISRO)
Cũng theo ISRO thì bức ảnh 3D trên được tạo nên bởi nhiều bức ảnh màu do máy chụp ảnh màu sao Hỏa được trang bị trên tàu vũ trụ Mars Orbiter Mission, hay còn gọi là Mangalyaan, chụp được.
Trước đó, AFP dẫn lời nhà khoa học cấp cao của ISRO V. Koteswara Rao cho biết: "Máy chụp ảnh màu sao Hỏa trên tàu vũ trụ bắt đầu làm việc ngay sau khi con tàu ổn định trên quỹ đạo hình elip quanh sao Hỏa và nó đã chụp được hàng chục bức ảnh chất lượng về bề mặt sao Hỏa và vùng xung quanh nó".
Được biết, Ấn Độ đã vượt mặt Trung Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia lần lượt thất bại trong tham vọng đưa tàu đến sao Hỏa vào năm 2011 và 2003, khi tàu Mars Orbiter Mission đi vào quỹ đạo hành tinh đỏ thành công vào hôm 24/9 qua, sau hành trình kéo dài 10 tháng qua khoảng đường dài 410 triệu km.
Chỉ sau đó một ngày, vào ngày 25/9, tàu Mars Orbiter Mission đã gửi về Trái đất những bức ảnh đầu tiên chụp sao Hỏa với bề mặt hình thành bởi các miệng núi lửa, được chụp từ độ cao 7.300km.
Hình ảnh về sao Hỏa đầu tiên do tàu vũ trụ Mars Orbiter Mission chụp truyền về Trái đất - (Ảnh: AFP)
Ngoài ra, sự kiện này cũng giúp Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện thành công sứ mệnh thăm dò sao Hỏa ngay lần phóng tàu đầu tiên. Trong khi châu Âu, Mỹ, Nga đã đưa được tàu vũ trụ bay đến quỹ đạo và cả đáp lên bề mặt hành tinh đỏ nhưng phải sau vài lần thất bại.
Điều đáng nói là sứ mệnh khám phá sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ chỉ tiêu tốn 74 triệu USD, rẻ hơn nhiều so với chi phí 671 triệu USD mà Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) bỏ ra để đưa tàu Maven bay đến sao Hỏa.
Tàu Maven, viết tắt của Sứ mệnh Khí quyển và Tiến hóa bất ổn của sao Hỏa, của NASA hôm 22/9 đã thâm nhập thành công vào quỹ đạo sao Hỏa, bắt đầu cho sứ mệnh nghiên cứu sự thay đổi khí hậu để trả lời câu hỏi vì sao hành tinh đỏ lại mất đi sự ấm áp và nước theo thời gian.
Tàu thăm dò Mars Orbiter Mission bay vào quỹ đạo sao Hỏa hôm 24/9 - (Ảnh: AFP)
Trong khi đó, tàu Mars Orbiter Mission mang sứ mệnh nghiên cứu khí quyển sao Hỏa, nhằm tìm kiếm dấu vết của khí methane - dấu chỉ báo cho sự tồn tại của sự sống; chụp các bức ảnh màu của hành tinh đỏ; tìm xem liệu có nước trên đó hay không.
Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.