Nếu thường xuyên lâm vào trạng thái lo lắng, bồn chồn, rất có thể bạn đã hình thành thói quen thở không đúng cách, khiến sức khỏe giảm sút.
Hít thở là hành động bản năng, "nhàm chán" mà chúng ta lặp lại từng giây, từng phút để đảm bảo sự sống. Thở đúng cách còn giúp tăng cường sức khỏe, điều chỉnh cảm xúc theo hướng tích cực nhất.
Ít người nhận ra mối liên hệ giữa động tác hít vào, thở ra gắn liền với tâm trạng. Khi mệt mỏi, chúng ta thường cảm thấy bồn chồn, hít từng hơi cạn rồi thở ra vội vàng, nhanh chóng. Nhưng lúc tâm trạng thoải mái, cơ thể thở chầm chậm, hít sâu và thở ra từ từ.
Hít thở sâu tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Diyp).
Các nghiên cứu cho thấy, đây là tình trạng chung của nhiều người, trong đó, cảm xúc tác động tới cách chúng ta thở.
Thở nhanh thể hiện triệu chứng căng thắng, lo âu dẫn tới mất kiểm soát hơi thở, phần nào ảnh hưởng tới cách chúng ta cảm nhận mọi thứ. Ở trạng thái bình tĩnh, thư giãn, chúng ta sẽ thở chậm và sâu hơn. Tuy nhiên, theo Scienalert, phần lớn chúng ta có xu hướng thở sai cách, gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể. Thậm chí hàng triệu người trên hành tinh đang thở sai cách.
"Đối với nhiều người, thở sâu có vẻ không tự nhiên. Có nhiều nguyên nhân, trong đó, quan điểm về vẻ đẹp hình thể tác động tiêu cực tới sự hô hấp. Như bụng phẳng được xem là hấp dẫn nên phụ nữ (và thậm chí cả nam giới) đều có xu hướng tập luyện cơ bụng phát triển. Điều này gây trở ngại cho quá trình thở sâu và dần dần chuyển sang thói quen thở nông bằng ngực", bài viết trên blog của Đại học Y Harvard (Mỹ).
Năm 2012, một nghiên cứu trên 46 nghệ sĩ cả nam và nữ với việc đào tạo trong thời gian ngắn phương pháp thở sâu và phản hồi sinh học, nhóm thực hiện nhận thấy, cứ sau 30 phút thở chậm, mọi người đã giảm các triệu chứng lo lắng. Điều này càng rõ rệt hơn đối với các nhạc sĩ, đối tương có xu hướng lâm vào trạng thái lo âu.
Cảm xúc tác động tới cách chúng ta thở.
Những lợi ích này càng tỏ rõ sự hiệu quả đối với trường hợp nghiêm trọng hơn. Năm 2014, các nhà nghiên cứu có thử nghiệm nhỏ đối với nhóm cựu chiến binh bị căng thẳng sau chấn thương tâm lý.
Kết quả cho thấy, những người tập ngồi thiền với hơi thở đều, sâu 3 giờ mỗi ngày, liên tục trong một tuần đã cải thiện đáng kể triệu chứng căng thẳng và cảm giác lo lắng.
Nếu bạn muốn tập hít thở đúng cách để điều hòa cơ thể, hãy chuẩn bị mọi thứ và thực hiện ngay. Trước tiên, cần tìm một nơi thông thoáng, yên tĩnh rồi ngồi hoặc nằm xuống. Sau đó, hít chậm qua mũi, để ngực và bụng nở rộng. Cuối cùng, thở ra từ từ qua miệng hoặc mũi. Sẽ rất hữu ích nếu vừa đếm vừa hít thở nhịp nhàng.