Nhiều tiêm kích Su-30MK2 và trực thăng họ Mi thao diễn trên bầu trời Thủ đô, chuẩn bị cho Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam vào tháng 12 tới.
Triển lãm sẽ diễn ra nhiều hoạt động như trưng bày và trình diễn sản phẩm, kết nối doanh nghiệp và thuyết trình kỹ thuật chuyên sâu giúp cập nhật thông tin, giải đáp các vướng mắc trong quá trình vận hành trang thiết bị và phương tiện chiến đấu chuyên ngành cùng các hoạt động văn hóa giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 do Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trì tổ chức, dự kiến diễn ra tại sân bay Gia Lâm từ ngày 8 đến 10/12. Triển lãm nhằm tạo cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước và các nhà cung cấp hàng đầu thế giới giới thiệu hệ thống trang bị, vũ khí, kỹ thuật tiên tiến nhất ngay tại Việt Nam.
Sáng 3/11, tại sân bay Gia Lâm, TP Hà Nội, lực lượng Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam, tổ chức bay tập chuẩn bị cho Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Buổi thao diễn bắt đầu từ 7h30 đến 11h30, gồm các đơn vị máy bay chiến đấu Su-30MK2 và trực thăng họ Mi.
Tiêm kích Su-30 biểu diễn bay theo mô hình biên đội 4 chiếc, sau đó tách làm 2 cặp trên không trung.
Hai chiếc Su-30 cùng gầm rít, nhào lộn trên bầu trời.
Trên bầu trời quận Long Biên, cặp tiêm kích trình diễn màn nhả đạn mồi bẫy nhiệt, loại đạn trang bị trên hầu hết chiến đấu cơ phản lực hiện đại để chống lại các tên lửa phòng không của đối phương. Máy bay nhả đạn mồi bẫy với số lượng lớn sẽ tạo ra nguồn nhiệt trên đường bay của tên lửa khiến hệ thống dò mục tiêu của tên lửa bị loạn mục tiêu và lệch hướng.
Phi công Su-30 bay bổ nhào, dựng đứng theo tư thế "hổ mang chúa". Su-30MK2 do Nga sản xuất, là loại tiêm kích đa năng, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết ngày lẫn đêm, đơn giản cũng như phức tạp. Đây là máy bay quân sự tốc độ siêu âm, có thể chiến đấu trên không và tấn công mặt đất, mặt nước. Tốc độ bay cao nhất của Su-30MK2 hơn 2.100 km/h, gấp 2 lần vận tốc âm thanh, lượng nguyên liệu đủ hoạt động phạm vi 3.000 km. Chiến đấu cơ có 12 giá treo, mang 8 tấn vũ khí. Giá mỗi chiếc kèm theo khí tài, trang bị lên đến hàng trăm triệu USD.
Trong buồng lái máy bay thường có 2 phi công điều khiển. Việc xếp loại phi công tiêm kích chủ yếu dựa vào kỹ năng và giờ bay tích luỹ. Ngoài những phi công mới ra trường chưa được phân cấp, phi công cấp 3 phải trên 400 giờ bay tích lũy, cấp 2 có 500 giờ bay, cao nhất là cấp 1 với trên 900 giờ bay. Ngoài giờ bay, phi công để đạt được đẳng cấp cần có khả năng xử lý tình huống bất trắc, sử dụng vũ khí...
Cùng với máy bay Su-30MK2, các đơn vị trực thăng vận tải họ Mi cũng tham gia luyện tập, thiết lập đội hình trên không.
Casa C-295, loại máy bay vận tải quân sự chiến thuật của Không quân Việt Nam, đáp xuống sân bay Gia Lâm.
Đội hình trực thăng vận tải họ Mi cùng hạ cánh.