Hồ Crawford ở vùng ngoại ô Canada được chọn làm biểu tượng cho sự khởi đầu của chương mới trong lịch sử Trái đất mang tên Anthropocene, hay kỷ nguyên nhân loại.
Một nhóm nhà khoa học quốc tế hôm 11/7 thông báo bằng chứng rõ nhất về tác động của nhân loại tới Trái đất nằm ở hồ Crawford tại Milton, Ontario. Trầm tích nhiều lớp dưới hồ chứa thông tin nghìn năm về lịch sử môi trường, dẫn tới sự bùng nổ tác động nhân tạo vào khoảng giữa thế kỷ 20. Đó là khi những hoạt động của con người từ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và đốt nhiên liệu hóa thạch tới chặt phá rừng và thương mại toàn cầu bắt đầu để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong lịch sử địa chất của Trái đất.
Hồ Crawford nằm ở Ontario, Canada là điểm vàng đánh dấu thế Anthropocene. (Ảnh: Bonnie Jo Mount/The Washington Post)
Thông báo trên đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực nhiều năm nhằm xác định liệu con người có biến đổi hành tinh đủ để tạo ra một thế mới trong thời gian địa chất hay không. Từ năm 2009, một tổ chức khoa học mang tên Anthropocene Working Group thu thập bằng chứng hóa học và khí hậu Trái đất khác với điều kiện ở vài nghìn năm trước. Yêu cầu cuối cùng là xác định "điểm vàng", một địa điểm trong lịch sử địa chất lưu giữ hoàn hảo biến đổi nguy hiểm mà con người tạo thành.
Hồ Crawford Lake phản ánh mọi thành phần khác nhau của hệ thống Trái đất và cách chúng tương tác với nhau khác hẳn quá khứ, theo Francine McCarthy, giáo sư khoa học Trái đất ở Đại học Brock tại Ontario, trưởng nhóm nghiên cứu về hồ nước. Họ cảm thấy đây là nơi tốt nhất để minh chứng vấn đề này. Trước khi thêm thế Anthropocene vào niên đại 4,6 tỷ năm của Trái đất, quyết định cần trải qua sự xem xét của cộng đồng địa chất học. Trong những tháng tới, đề xuất sẽ được trình lên Phân ban Địa tầng học kỷ Đệ Tứ, chịu trách nhiệm phân chia lịch sử trong 2,4 triệu năm qua. Sau đó, Ủy ban Quốc tế về Địa tầng học sẽ bỏ phiếu. Nếu vượt qua các khâu trên, đề xuất sẽ được phê chuẩn tại Đại hội Địa chất Quốc tế tại Hàn Quốc.
Hồ Crawford Lake được lựa chọn từ 12 ứng cử viên điểm vàng trên toàn cầu, bao gồm băng ở Nam Cực, hai rạn san hô hẻo lánh, đầm lầy than bùn trên đỉnh núi và vịnh biển ô nhiễm ở California. Mỗi bằng chứng về ô nhiễm do con người gây ra tăng vọt vào khoảng năm 1950, đặc biệt là chất phóng xạ plutonium gia tăng đột ngột từ hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân, sẽ đóng vai trò như mốc đánh dấu cơ bản cho thế Anthropocene.
Sau nhiều tháng cân nhắc kỹ lưỡng, 22 thành viên bỏ phiếu trong nhóm, bao gồm McCarthy và Colin Waters, nhà địa chất học ở Đại học Leicester kiêm chủ tịch Anthropocene Working Group, quyết định hồ Crawford lưu giữ bằng chứng về thế Anthropocene rõ rệt hơn bất kỳ nơi nào khác. Ngoài bụi phóng xạ, hồ còn chứa dấu hiệu của ô nhiễm công nghiệp, sự tuyệt chủng của các loài và biến đổi khí hậu toàn cầu. Những hạt đen nhỏ gọi là tro bay, phụ phẩm từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, nằm rải rác trong trầm tích. Thay đổi về loại phấn cây bị chôn vùi cho thấy khu rừng xung quanh phản ứng như thế nào đối với nhiệt độ tăng dần đều.
Tuy nhiên, không phải mọi nhà khoa học đều tin tưởng thế Anthropocene thuộc thang thời gian địa chất học. Mọi thế khác được đặt tên hàng thiên niên kỷ sau khi chúng diễn ra. Chúng được định nghĩa không phải qua dữ liệu công cụ và mô tả từ nhân chứng, mà qua thông tin về thay đổi môi trường lưu giữ trong đá, vòng cây, trầm tích và băng. Một vách đá ở Tunisia chứa bằng chứng về vụ va chạm thiên thạch cổ đại báo hiệu kết thúc thời kỳ khủng long. Sự bắt đầu thế Holocene (thế Toàn tân) bắt đầu cách đây 11.700 năm, được đánh dấu bởi phân tử hydro mắc kẹt trong băng ở Greenland cổ đại.
Một số nhà nghiên cứu khác lo ngại cách định nghĩa địa chất chặt chẽ về thế Anthropocene tạo ra hiệu ứng lan tỏa vượt ngoài lĩnh vực học thuật. Ví dụ, theo Andrew Bauer, nhà nhân chủng học ở Đại học Stanford, chuyên gia nghiên cứu tương tác giữa con người và môi trường, xác định mốc thời gian giữa thế kỷ 20 là khởi đầu của thế Anthropocene có thể khiến mọi người xem nhẹ tác động của con người trước đó. Mặt khác, thuật ngữ "Anthropocene" hàm ý tất cả mọi người đều chịu trách nhiệm ngang nhau cho sự thay đổi của hành tinh, trong khi nghiên cứu chỉ ra các quốc gia giàu nhất chiếm phần lớn lượng khí thải carbon và gây ra nhiều tác hại cho môi trường khác.