Tại 9 địa điểm khai quật ở vùng lòng hồ thủy điện Pleikrông, đoàn đã tìm thấy trên 48.000 di tích, di vật cổ phong phú, đa dạng. Trong đó đã phát hiện 127 bếp, 99 mộ táng, 970 đồ đá, 5 đồ đồng, 12 đồ sắt, 68 hiện vật gốm... Mỗi di chỉ khảo cổ học có 2 đến 3 mức văn hóa ở thời kỳ tiền sử, sơ sử và thời lịch sử cận hiện đại. Tất cả các di tích đều nằm hai bên bờ sông Pôkô - nơi có nguồn thực phẩm rất dồi dào cũng như thuận lợi cho việc canh tác.
PGS.TS Nguyễn Khắc Sử - Trưởng đoàn khai quật khảo cổ học PleiKrông, Kon Tum cho biết: "Đặc biệt nhất trong đợt khai quật này, chúng tôi đã tìm thấy những khuôn đúc rìu đồng và công cụ bằng đồng minh chứng cho việc luyện kim đúc đồng tại Kon Tum. Không phải chỉ một và nhiều địa điểm đã tìm thấy vết tích này. Đặc biệt nữa, những đồ đồng ở đây rất giống đồ đồng ở vùng Đông Sơn-Thanh Hóa. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm thấy trong những mộ táng có những đồ gốm rất giống văn hóa Sa Huỳnh ở ven biển Trung bộ".
Như vậy, cư dân thời tiền sử ở Kon Tum đã có sự giao lưu văn hóa với hai trung tâm văn hóa nổi tiếng là Đông Sơn và Sa Huỳnh. Theo nghiên cứu bước đầu, các hiện vật đồ đồng có cách đây vào niên đại khoảng 3.000 năm. Các cư dân tiền sử đã để lại nơi đây dấu ấn rất đặc sắc như những công cụ lao động sản xuất và cả dấu vết về cư trú.
Cũng theo TS.Nguyễn Khắc Sử, nét đặc trưng nhất so với các nền văn hóa mà chúng ta đã tiếp cận và nghiên cứu được quá trình phát triển của cư dân cuối thời đá mới, bước sang thời kim khí hay là con người bước vào ngưỡng cửa văn minh với đặc trưng sản xuất nông nghiệp trồng lúa, luyện kim, đúc đồng và cư trú quần cư theo các bộ lạc riêng biệt, các bộ lạc đó có mối liên hệ chặt chẽ, mang tính cộng đồng với nhau.
Với một khối lượng lớn di tích, di vật phát hiện được lần này, sẽ là nguồn sử liệu vô cùng quan trọng, cho phép các nhà nghiên cứu phục dựng bức tranh văn hóa tiền sử ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.