Gần đây, nhiều thành phố lớn nhan nhản quán cà phê Wi-Fi kéo theo “hội chứng” mới mà chính những người trong cuộc gọi nó với một cái tên rất 8X: Hội chứng laptop.
Thị trường laptop giờ đây có từ “thượng vàng” cho đến “hạ cám”. Từ những chiếc máy có giá chỉ vài trăm USD đến cả chục nghìn USD. Mỗi đối tượng một nhu cầu và một nguồn tài chính có hạn nhưng việc sở hữu một chiếc laptop trong giới trẻ hiện nay không còn quá khó khăn. Giá máy tính để bàn giờ đây cũng ngang ngửa với một chiếc laptop second-hand mà với những nhu cầu không cao như SV hoặc những người làm công sở thì một chiếc laptop second-hand đã là quá đủ.
“Giới trẻ giờ đây coi việc sở hữu một chiếc laptop đồng nghĩa với việc khẳng định đẳng cấp mới trong thời sống khác - nghĩ khác - làm khác này!”, Quang Hà, một giám đốc tuổi 8X, khẳng định. Có cả tỷ thứ để làm với laptop. Cũng như một ngày không được sờ vào máy tính hoặc vào mạng đối với giới trẻ hiện nay là một... cực hình. Những tiện ích mà một chiếc laptop mang lại đủ cho 8X khẳng định mình trong công việc, trong học hành và cả trong chuyện... chơi. Đối với không ít những bạn trẻ 8X thì cuộc đời + công việc + tình yêu chỉ cần một chiếc laptop + một quán cà phê wifi thì có thể giải quyết được tất cả.
Những quán cà phê wifi giờ đây vừa là nơi làm việc, vừa là nơi thư giãn, vừa là nơi gặp gỡ với những đối tác làm ăn hay “hú hét” cùng bạn bè sau những buổi làm việc. “Laptop trở thành một phương tiện nối dài thời gian làm việc, thay thế cho chiếc cặp táp khô cứng nặng nề và thu cả thế giới, cả công ty và công việc của mình vào trong đó. Quá tiện và quá gọn nhẹ!”, Hùng, một giám đốc trẻ, nhận xét. Khác xa những đối tượng coi laptop là phương tiện để làm tốt công việc của mình thì có một bộ phận giới trẻ coi laptop là một thứ khoe mẽ, một “vật trang trí để khẳng định đẳng cấp giàu có” của mình.
Mỗi ngày Q.Minh (ĐH Kinh Tế) đều xách cái laptop trị giá hơn 1.500 USD của mình ngồi quán cà phê Wi-Fi để chat, kết bạn, đọc tin tức, xem phim trực tuyến và... xách về. Đối với cậu, laptop chỉ là một phương tiện giải trí đơn thuần, không hơn không kém. Hùng, một game thủ có hạng sắm con laptop VAIO “xịn” (có giá hơn 1.500 USD chỉ để luyện game “Võ lâm truyền kỳ” cho thỏa cơn ghiền “ăn - ngủ cùng game” của mình. Vào một quán cà phê wifi nào đó, nếu bắt gặp một đám đông nhốn nháo với những khuôn mặt háo hức xầm xì thì đoán chắn 100% là đang truy cập web “đen” và xem phim sex. Có những người lập ra các hội laptop chỉ để trao đổi hoặc khoe những chiếc laptop đắt tiền, hàng độc hoặc đơn giản chỉ để chứng tỏ ta đây cũng là những công dân bận rộn. Số tiền mà họ đầu tư vào những chiếc laptop trị giá hàng nghìn USD kia có chăng chỉ làm tăng thêm vẻ “sành điệu” của họ chứ không tăng thêm về giá trị kinh tế.