Trang Earthsky đưa tin, vào lúc 0h UTC (khoảng 7h sáng giờ Việt Nam) ngày 4/7 hành tinh của chúng ta sẽ di chuyển tới địa điểm xa Mặt trời nhất. Do đó, sẽ không có gì quá ngạc nhiên khi Mặt trời hôm nay "trông có vẻ" nhỏ hơn so với bình thường.
Chúng ta biết rằng, quỹ đạo quanh quanh Mặt trời của các hành tinh bao gồm Trái đất không phải là một đường tròn hoàn hảo mà có hình elip. Điều này có nghĩa sẽ có một điểm mà Trái đất ở gần Mặt trời nhất và một điểm Trái đất ở xa Mặt trời nhất.
Hôm nay, Trái đất sẽ di chuyển tới điểm xa nhất, cách Mặt trời một khoảng 94.506.462 dặm (tương đương 152.093.481km). Trong khi khoảng cách trung bình giữa Mặt trời và Trái đất là 93 triệu dặm (tương đương 150 triệu km).
Ở điểm xa nhất này, khoảng cách giữa hai thiên thể lớn hơn 3,28% và lượng ánh sáng mà Trái đất nhận nhỏ hơn 7% so với khi Trái đất tới điểm gần nhất.
Nhiều người ở Mỹ cho rằng, họ cảm thấy nhiệt độ tăng cao bất thường trong thời điểm này nhưng các nhà thiên văn học đã chỉ ra, không có mối liên quan trực tiếp nào giữa nhiệt độ và khoảng cách giữa Mặt trời - Trái đất.
Do trục Trái đất nghiêng nên khiến góc xiên của tia nắng Mặt trời thay đổi theo từng giai đoạn của năm. Thời điểm hiện tại là mùa hè ở Bắc bán cầu vì phần phía Bắc của Trái đất đang nghiêng đón ánh nắng Mặt trời. Trong khi đó, mùa đông đang hiện hữu ở phần Nam bán cầu.
Trái đất không di chuyển tới điểm gần nhất, xa nhất với Mặt trời trong một ngày cố định mà có sự dao động nhất định. Trên thực tế, vào khoảng 1 - 5/1, Trái đất sẽ di chuyển tới điểm gần nhất và trong khoảng 2 - 5/7, Trái đất sẽ ở vị trí xa nhất so với Mặt trời.