Số người chết trong trận động đất mạnh ở Nepal đã vượt qua ngưỡng 5.000, trong khi dân chúng đang biểu tình vì công tác cứu hộ chậm chạp.
Người dân Nepal bức xúc vì cứu hộ chậm trễ
Hơn 200 người Nepal biểu tình bên ngoài tòa quốc hội ở thủ đô Kathmandu, yêu cầu chính phủ tăng lượng xe buýt đi tới các vùng hẻo lánh bị ảnh hưởng bởi động đất và tăng cường viện trợ.
"Tôi không thể liên lạc được với người nhà ở quê", Kayant Panday, một trong những người biểu tình cho biết. Ông dậy từ 4h sáng nhưng không thể bắt được xe buýt về làng, nơi bị động đất ảnh hưởng nặng nề. "Không có cách nào biết tin họ còn sống hay đã chết".
Theo Reuters, một quan chức bộ nội vụ Nepal hôm 29/4 thông báo số người chết trong trận động đất ở Nepal hôm 25/4 đã lên đến 5.006 người và không ngừng tăng. Giới chức nước này thừa nhận đã phản ứng chậm, không cứu trợ kịp thời những người còn mắc kẹt tại những khu vực hẻo lánh.
Đám đông giận dữ biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội Nepal. (Ảnh: Reuters)
"Đây là một thảm họa lớn chưa từng có. Việc điều hành hoạt động cứu hộ đã có một vài thiếu sót", Minendra Rijal, Bộ trưởng Truyền thông Nepal hôm qua thừa nhận.
Thủ tướng Sushil Koirala cho rằng số người thiệt mạng có thể lên tới hơn 10.000, vượt qua con số 8.500 người trong trận động đất kinh hoàng năm 1934 tại Nepal.
Nhiều người Nepal bày tỏ sự giận dữ và thất vọng khi phải chịu cảnh màn trời chiếu đất và không tiếp cận được với viện trợ nước ngoài do nhiều tuyến đường bị phá hủy hoàn toàn.
"Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được trợ giúp từ phía chính phủ. Họ như thể đang ngủ yên. Chúng tôi đề nghị chính quyền khẩn trương ứng cứu", Shekhar Chander Rai, một người sống sót đang phải ở ngoài đường, giận dữ nói.
Trực thăng cứu hộ không thể hạ cánh xuống nhiều khu vực miền núi hẻo lánh, Shambhu Khatri, một kỹ thuật viên cho biết. Lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận vùng núi huyện Gorkha, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại các khu vực xa xôi khác, những người lính phải đi xe buýt rồi đi bộ vào.
Bệnh viện ở Kathmandu và những thành phố khác bị quá tải, nhiều người phải điều trị ở ngoài trời hoặc không được chữa trị. Ngoại trưởng Nepal Shanker Das Bairagi kêu gọi sự trợ giúp từ nhân viên y tế, đội tìm kiếm và cứu hộ quốc tế, dù trước đó giới chức Nepal nói rằng không cần thêm trợ giúp từ nước ngoài.
Nhân viên cứu hộ cho biết đã xuất hiện những cuộc tranh cãi giữa người nước ngoài với dân bản địa vì tranh giành cứu trợ. Có nhiều vụ xô xát xảy ra vì thiếu lương thực, Amit Rubin, thành viên nhóm cứu hộ Magnus của Israel nói. Nhóm này hôm qua đưa hàng trăm khách du lịch, trong đó có 100 người Israel, ra khỏi Langtang bằng trực thăng. Một người leo núi cho biết ngay cả trên trực thăng cũng xảy ra vài vụ ẩu đả.
Tại Kathmandu, một số người bán hoa quả bắt đầu bán hàng trở lại, nhưng những người khác cho biết họ vẫn sợ hãi và không dám mở hàng vì các tòa nhà bị hư hại nặng nề.
"Tôi muốn bán hàng trở lại vì còn phải nuôi con, nhưng làm sao tôi dám mở cửa lại vì cửa hàng quá nguy hiểm, không thể ngồi trong đó được", Arjun Rai, 54 tuổi, chủ một quầy hàng buồn bã nói.