Trong một nỗ lực nhằm nâng cao khả năng bảo mật dữ liệu cho laptop, ĐTDĐ và các thiết bị dễ mất khác, IBM vừa công bố phương pháp mới, cho phép mã hóa thông tin ngay tại trái tim hệ thống Nguồn: Online-Security-solution
Có rất nhiều cách để mã hóa dữ liệu nhằm bảo vệ chúng khỏi ánh mắt dòm ngó của kẻ khác. Nhiều phần mềm chuyên dụng có thể đảm đương được vai trò này, và bản thân những con chip bên trong máy tính cũng vậy.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của IBM cho rằng, trừ phi chức năng mã hóa được thực thi bởi chính bộ xử lý trung tâm (CPU) của máy tính, nếu không bất cứ hacker trình siêu nào cũng có thể xâm nhập vào khe hở giữa bộ nhớ máy tính với công cụ mã hóa độc lập.
Để minh chứng cho nhận định của mình, sáng nay, IBM đã giới thiệu "SecureBlue", một bộ bản mạch mã hóa có thể tích hợp được vào bất cứ vi xử lý nào, dù cho con chip đấy do hãng nào sản xuất. Cùng với đó, IBM đã không ngần ngại gọi sản phẩm mới của mình là "một trong những thiết bị hoang tưởng nhất hành tinh".
Tuy nhiên, IBM không phải hãng duy nhất tìm cách tích hợp chức năng mã hóa dữ liệu vào trong CPU của máy tính. Công nghệ "LaGrande" sắp ra mắt của Intel về cơ bản cũng dựa trên tham vọng này, mặc dù nó đòi hỏi phải có sự tương tác với một con chip độc lập có tên Trusted Platform Module. Song theo lời IBM thì phương pháp của họ có thể nhảy cóc qua bước này.
Nhà phân tích Richard Doherty của Envisioneering Group tin rằng thiết kế của SecureBlue đủ cơ động và linh hoạt để có thể đưa mã hóa cao cấp đến với những thiết bị như máy nghe nhạc MP3 hoặc ĐTDĐ. Như vậy, công nghệ này sẽ không chỉ phục vụ những ai muốn giữ kín các thông tin nhạy cảm bên trong thiết bị cầm tay, mà còn cho phép bạn bảo vệ các nội dung có bản quyền lưu trong điện thoại và thiết bị multimedia của mình nữa.
Mặc dù vậy, công cụ mã hóa của IBM không đơn giản chỉ là một module, có thể đấu dễ dàng vào mọi nền chip hiện hành. Nó cần được "đan" vào vi xử lý từ đầu, trộn lẫn với các transistor khác theo kiểu bánh "hamburger" vậy.
Thách thức lớn nhất của IBM lúc này là phải thuyết phục được giới phân tích và người dùng tin rằng SecureBlue an toàn và bảo mật hơn tất cả những phương pháp mã hóa bằng phần mềm hiện nay dành cho thiết bị cầm tay.
Bruce Schneier, chủ tịch Counterpane Internet Security nhận định rằng mã hóa tích hợp trọn vẹn với CPU có thể nâng cao khả năng bảo mật thật sự, song sẽ là "ngớ ngẩn" nếu cho rằng hacker chỉ nhằm vào quá trình trao đổi thông tin từ CPU máy tính đến công cụ mã hóa để tấn công.
Thiên Ý