Công ty MeaTech 3D hôm 7/12 thông báo in thành công miếng bít tết nặng 104 g gồm chủ yếu chất béo và tế bào cơ nhân tạo.
MeaTech 3D cho biết đây là miếng bít tết nhân tạo lớn nhất từng được sản xuất. Đột phá này đánh dấu cột mốc quan trọng hướng tới sản xuất bít tết in sinh học quy mô lớn.
Miếng bít tết in 3D nặng 104g của MeaTech 3D. (Ảnh: Shlomi Arbiv).
Tế bào dùng để in miếng bít tết được sản xuất bằng quá trình tiên tiến độc quyền. Quá trình này bắt đầu với việc các tế bào gốc của bò từ mẫu vật mô và tạo điều kiện để chúng nhân lên. Khi đạt đủ khối lượng, tế bào gốc được biến đổi thành mực in sinh học tương thích với máy in 3D của MeaTech. Cỗ máy in theo thiết kế kỹ thuật số kết cấu thịt bít tết. Sản phẩm in xong được đặt trong lồng ấp để phát triển, tại đó tế bào gốc sẽ trở thành mỡ và mô cơ để tạo ra miếng bít tết.
Mục tiêu của MeaTech là phát triển sản phẩm thay thế bít tết thông thường với thành phần tối đa từ tế bào. Bít tết nhân tạo bao gồm chất béo và tế bào cơ sống, không chứa bất kỳ protein đậu nào thường dùng ở sản phẩm thay thế có nguồn gốc thực vật.
MeaTech sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ in sinh học và nuôi cấy để tạo ra loại thịt nhân tạo tốt hơn mô phỏng những đặc trưng của bít tết hảo hạng từ bò ở nông trại. Họ sẽ tập trung vào phát triển dòng tế bào của bò, lợn, gà. Công ty cho rằng công nghệ thịt nhân tạo có tiềm năng cải tiến sản xuất thịt, đơn giản hóa chuỗi cung ứng, cung cấp cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn đa dạng hơn.