Thời gian gần đây, các thương hiệu Truyền hình cáp Việt Nam, Truyền hình cáp Hà Nội... đã được người tiêu dùng biết tới không chỉ để thưởng thức các chương trình truyền hình đặc sắc mà còn để... lướt Net.
Xu hướng hai trong một!
Đến hết năm 2005, người xem truyền hình Việt Nam đã được làm quen với nhiều thương hiệu truyền hình cáp. Khách hàng phía Bắc biết tới Truyền hình cáp Hà Nội HCTV, Truyền hình cáp Việt Nam VCTV; tại TP Hồ Chí Minh biết tới Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV). Thế mạnh của truyền hình cáp là có nhiều chương trình phong phú với nội dung hấp dẫn lên tới vài chục kênh.
Thị trường dịch vụ truyền hình cáp đang cạnh tranh ngày càng trở nên quyết liệt hơn... Vấn đề đặt ra cho nhà cung cấp dịch vụ là ngoài nội dung, chất lượng dịch vụ phải được "chăm sóc" kỹ thì "chiêu" gì sẽ hút khách hàng sử dụng truyền hình cáp hữu hiệu nhất?
Cùng với ADSL, dịch vụ Internet băng thông rộng trên truyền hình cáp đang là một lựa chọn mới mà các nhà cung cấp dịch vụ hướng tới. (ảnh: TN). |
Mức độ cạnh tranh còn khiêm tốn
Khởi động cho sự kiện dịch vụ Internet băng thông rộng trên truyền hình cáp đầu tiên là việc Truyền hình cáp Hà Nội triển khai cùng đối tác Công ty viễn thông thế hệ mới; rồi tới MediaNet, đứa con chung của SCTV và Công ty Thông tin Viễn thông điện lực (EVN Telecom) tại TP Hồ Chí Minh. Trung tuần tháng 12/2005, dịch vụ cũng đã được công ty Thông tin viễn thông điện lực EVN Telecom và Trung tâm Kỹ thuật Truyền hình cáp Việt Nam VCTV phối hợp cung cấp đã được khai trương tại Hà Nội.
Sự ra đời của dịch vụ Internet băng rộng trên mạng truyền hình cáp đang khiến các nhà cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao ADSL phải lưu tâm bởi có thêm đối thủ cạnh tranh. Ưu điểm chung của dịch vụ Internet băng thông rộng trên mạng truyền hình cáp là có tốc độ truy cập rất cao, hơn 5 đến 10 lần so với dịch vụ Internet tốc độ cao ADSL hiện nay. Ngoài ra, dịch vụ còn hứa hẹn sẽ không xảy ra tình trạng nghẽn mạch, nghẽn mạng, băng thông rộng hoá thành... hẹp khi có người cùng sử dụng dịch vụ một lúc. Chẳng hạn như với dịch vụ Internet băng thông rộng do EVN Telecom và VCTV cung cấp, điều kiện lý tưởng cho phép người sử dụng tải xuống ở mức tối đa là 56 Mbps và tải lên cũng đạt ở mức tốc độ tối đa 30 Mbps, những thông số mà khách hàng sử dụng dịch vụ ADSL vẫn chỉ có thể mơ ước.
Tuy nhiên, các chuyên gia viễn thông cũng cho rằng, dù có cạnh tranh nhưng thị trường dịch vụ Internet băng rộng trên truyền hình cáp cũng chưa thể sôi động ngay được. Dù rằng việc cạnh tranh với các dịch vụ Internet khác đương nhiên sẽ xảy ra, nhưng sẽ không phải là trong thời điểm này, và cũng chỉ ở mức độ nào đó mà thôi. Nguyên nhân chủ yếu nhất là do dịch vụ Internet phải sống "ký sinh" trên mạng truyền hình cáp phải phụ thuộc nhiều vào mức độ tăng trưởng thuê bao sử dụng mạng cáp, nên số thuê bao sử dụng dịch vụ truyền hình cáp vẫn còn khiêm tốn.
Đến giờ, mạng truyền hình cáp Hà Nội (HCTV) đạt 60.000 thuê bao sau hơn ba năm chính thức cung cấp dịch vụ. Và dù đi đầu trong việc tích hợp dịch vụ Internet trên mạng truyền hình cáp, thuê bao truyền hình cáp đăng ký sử dụng thêm Internet băng rộng của HCTV mới chỉ khoảng 100 thuê bao. Mặc dù cũng đưa ra những chính sách thu hút người sử dụng nhằm tăng trưởng thuê bao song dường như có vẻ chưa được hấp dẫn cho lắm, vẫn chỉ là khuyến mại, cho thuê modem...
HCTV cũng thừa nhận một phần của việc phát triển thuê bao chậm là do phải nâng cấp mạng lên hai chiều để cung cấp dịch vụ Internet đòi hỏi chi phí đầu tư tương đối lớn nên mới chỉ phát triển mạng ở phạm vi hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ở những địa bàn tiềm năng. Do đó, với chỉ tiêu đặt ra trong 6 tháng đầu năm 2006 phát triển được 1.000 thuê bao Internet băng thông rộng trên mạng HCTV vẫn là quá khiêm tốn so với mức hơn 200.000 thuê bao ADSL của ba nhà cung cấp dịch vụ VNPT, FPT và Viettel cộng lại cho tới thời điểm cuối năm 2005.
Thuỷ Nguyên