Jules Gabriel Verne, thường được biết đến với tên Jules Verne (8/2/1828 - 24/3/1905), là nhà văn Pháp nổi tiếng, người đi tiên phong trong thể loại văn học Khoa học viễn tưởng và được coi là một trong những "cha đẻ" của thể loại này.
Jules Verne - nhà văn, nhà khoa học kì tài
Jules Verne (8/2/1828 - 24/3/1905)
Với những tác phẩm nổi tiếng như “Chuyến đi vào tâm Trái Đất” (1864), “Hai vạn dặm dưới đáy biển” (1870), “Tám mươi ngày vòng quanh thế giới” (1873), Jules Verne đã đề cập đến những cuộc phiêu lưu bằng máy bay, tàu ngầm hay những chuyến du hành vào vũ trụ trước khi những phương tiện này được con người phát minh trong thực tế.
Nếu còn sống đến năm 2011, chắc hẳn J. Verne phải cực kì tự hào vì những ý tưởng phát minh của ông phần lớn đã được áp dụng và vô cùng hữu ích trong đời sống hiện đại.
Tàu ngầm chạy điện
Trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông – “Hai vạn dặm dưới đáy biển” – thuyền trưởng Nemo đã chu du khắp các đại dương trên trái đất trong một siêu tàu ngầm hoành tráng có tên Nautilus.
Theo như miêu tả, phía bên trong con tàu không khác gì một khách sạn hạng sang với đầy đủ tiện nghi như phòng ăn, phòng ngủ, thư viện, v.v… Nếu không tính đến các chi tiết xa xỉ này thì con tàu của ngài Nemo ngày ấy không khác mấy so với những mẫu tầu ngầm hiện đại ngày nay như chiếc Circa-1964 chở được 3 hành khách, cũng sử dụng nguồn pin điện như Nautilus.
Phát thanh & truyền hình
Trong tác phẩm “Năm 2889” được Jules Verne hoàn thành vào năm 1889 có mô tả về hình thức báo chí trong tương lai: “Thay vì cầm một tờ giấy chi chít chữ để ngấu nghiến cập nhật thông tin trong ngày thì sẽ có người đọc bản tin cho bạn vào mỗi buổi sáng”. Mơ ước tưởng chừng như viễn tưởng này của Jules Verne đã trở thành hiện thực vào năm 1920 khi bản tin phát thanh lần đầu xuất hiện, tức là sau gần 30 năm Jules Verne “tưởng tượng” ra nó và đến 28 năm sau nữa thì bản tin truyền hình trở thành hiện thực. Năm 1974, cả triệu người đã có thể xem tổng thống Mỹ Richard Nixon nói chuyện trên ti vi.
Thuyền buồm vũ trụ
Tác phẩm khoa học giả tưởng “Từ Trái đất tới Mặt trăng” của ông xuất bản vào năm 1865 Jules Verne có bàn đến một tàu vũ trụ vận hành bằng ánh sáng mặt trời dưới cái tên: “Thuyền buồm vũ trụ”. Với kỹ thuật và công nghệ hiện đại, ý tưởng của ông đã được hiện thực hóa thành những cánh buồm năng lượng mặt trời NanoSail-D mà NASA đã đưa vào quỹ đạo.
Có thể nói J. Verne là nhà văn luôn có tư tưởng đi trước thời đại, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ông đã “tiên đoán” được rất nhiều thứ mà trong tương lai xa loài người mới có đủ khả năng và điều kiện kỹ thuật để vươn tới được. Có được tầm nhìn xa như vậy là bởi ông đã có điều kiện đọc rất nhiều và có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện với nhiều người, nhờ đó mà ông bắt kịp với bước tiến của thời đại mình, không những thế, nhờ có óc quan sát và chú ý vào thế giới xung quanh mà ông tiên đoán được những chuyện tưởng như “thần kỳ” vào thời của ông.
Cỗ máy du hành mặt trăng
Jules Verne cũng mô tả ý tưởng về một “cỗ xe” đưa con người du hành đến mặt trăng mà ngày nay được gọi là “Lunar Module” (mô-đun Mặt trăng) - giống như bộ phận hình nón ở trên đỉnh chiếc tên lửa của NASA. Trong tác phẩm “Từ Trái đất tới Mặt trăng”, cỗ máy kì lạ mà tác giả nhắc tới có thể chở cả hành khách lên mặt trăng dạo chơi. Verne đã cho cỗ máy này vận hành bằng cách sử dụng “một khẩu súng lớn với lực đẩy đủ mạnh để bắn nó vọt ra khỏi tầm ảnh hưởng của trọng lực…”.
Viết chữ lên bầu trời
Jules Verne là một người có con mắt quan sát rất nhạy bén về mọi thứ trong thế giới xung quanh ông, và một trong những lĩnh vực khá thú vị mà ông đã dành sự quan tâm là lĩnh vực quảng cáo. Trong tác phẩm “Năm 2889” ông có nhắc đến vấn đề “quảng cáo trên bầu trời”, và ông cũng nói qua về tác dụng của việc làm này, đó là sẽ được rất đông dân chúng của thành phố hoặc thậm chí là cả một quốc gia chiêm ngưỡng.
Mặc dù ông không có được bất cứ sự đào tạo nào về kỹ thuật công nghệ nhưng Verne có niềm say mê đặc biệt đối với các loại máy móc và thiết bị kỹ thuật. Ông được đào tạo bài bản về ngành luật và sau đó làm việc trong một nhà hát; ở đó ông kết bạn với những người có cùng niềm đam mê khoa học kỹ thuật, phát minh và thám hiểm.
Hội nghị qua video
Vẫn trong tác phẩm “Năm 2889”, Jules Verne nhắc đến “phonotelephote” – nguyên mẫu đầu tiên của công nghệ mà ngày nay được biết đến với tên công nghệ hội thảo qua video. Ông viết: “Hình ảnh được chuyển đi nhờ vào những chiếc gương vô cùng nhạy được nối với nhau qua dây điện, người này trông thấy được người kia bất chấp khoảng cách”. “Phonotelephote” của J. Verne là một trong những ý tưởng sớm nhất cho công nghệ videophone của thời nay.
Súng điện
Mặc dù đề tài tưởng tượng ưa thích của Jules Verne là các loại phương tiện giao thông, nhưng đôi khi ông cũng “sáng chế” ra các loại vũ khí thuộc loại “không tưởng” vào thời đó. Chẳng hạn như trong cuốn “Hai vạn dặm dưới đáy biển” ông đã mô tả một lại súng bắn điện mà cho đến tận ngày nay mới được chế tạo và đưa vào sử dụng như loại súng Taser trong ảnh.