Một cửa hàng nhỏ ở TP Minokamo, miền trung Nhật Bản, tiếp nhận vô số đơn đặt hàng từ khắp mọi miền đất nước, nhờ vào kỹ thuật “Kaketsugi”, hay vá quần áo hoàn toàn giống như mới.
Cửa hàng mang tên Oriwa Giken đang được vận hành bởi một đội ngũ gồm cha và con gái. Trong đó, người cha Tesshu Kataoka, 78 tuổi, đã có hơn 40 năm kinh nghiệm, và con gái Yoshiko Goto, 44 tuổi, được cha truyền nghề. Với năng lực vá thần sầu, họ có thể biến bề mặt vải bị thủng hoặc rách quay về trạng thái hoàn toàn giống như mới. Truyền thông Nhật Bản gọi đây là kỹ thuật “miếng vá vô hình”, theo báo The Mainichi.
Kỹ thuật “vá vô hình” của cha con nghệ nhân Tesshu đòi hỏi rất nhiều sự tỉ mỉ và kiên nhẫn
Chuyến biểu diễn ở New York
Bà Yoshiko không bao giờ nghĩ rằng mình có cơ hội biểu diễn kỹ thuật gia truyền trước đám đông những người chứng kiến ở TP New York (Mỹ) vào tháng 5.2019. Khoảng 200 người có mặt đã vỗ tay không ngớt sau khi bà vá xong lỗ thủng 2cm trên nền vải len. “Tay tôi run lên vì căng thẳng”, bà nhớ lại thời khắc tại sự kiện do Hiệp hội Nhật Bản ở TP New York tổ chức.
Lời mời từ TP New York bắt đầu từ một yêu cầu vá áo kimono bằng vải satin bị vết hỏng. Nhờ vào tay nghề xuất sắc của hai cha con, vết rách có kích thước vài cm hoàn toàn biến mất trên nền vải, dù chiếc kimono được may bằng loại vải được dệt dầy và phức tạp. Khách hàng đặc biệt lần đó là dịch vụ giặt ủi kimono trực tuyến Yokohama Choujiya. Họ tìm kiếm nghệ nhân có thể khôi phục kimono cho buổi biểu diễn của Hiệp hội Nhật Bản ở New York.
Kỹ thuật của cửa hàng Oriwa Giken được đánh giá là xuất sắc nhất trong số những nghệ nhân mà Yokohama Choujiya từng liên hệ. Trước khi buổi biểu diễn được tổ chức, Hiệp hội Nhật Bản đăng đoạn phim ngắn về tay nghề của bà Yoshiko, với tựa đề “Miếng vá vô hình: Phép lạ phục hồi kimono”. Ðoạn phim lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo người quan tâm và nhanh chóng lan truyền trên mạng. Ai nấy đều trầm trồ khen ngợi kỹ thuật xuất sắc đến mức không thể tin được, khi người phụ nữ Nhật Bản có thể “hô biến” vết rách, vết thủng và trả lại bề mặt nguyên vẹn cho trang phục.
Kỹ thuật kaketsugi
Kỹ thuật “miếng vá vô hình” xuất phát từ bàn tay tài hoa và nỗ lực không biết mệt mỏi của người cha Tesshu. Dựa trên kỹ thuật do mình sáng chế, ông có thể vá lỗ thủng do mối mọt, vết cháy do tàn thuốc lá hoặc những vết rách trên trang phục. Khi còn trẻ, ông Tesshu tiếp nhận cửa hàng may đo của gia đình. Theo thời gian, quần áo may sẵn ngày càng trở nên phổ biến hơn. Ðối mặt nguy cơ đóng cửa, ông quyết định tự thân mày mò kỹ thuật kaketsugi. Ông bắt đầu mọi thứ từ con số 0, từ khâu phân tích sợi vải đến cách thức dệt từng loại vải khác nhau.
Sau vô số ngày đêm làm việc không mệt mỏi để mài giũa kỹ năng, ông thành thạo vẽ từng cấu trúc thớ vải và hoàn thành bản ghi chép về những mẫu vải khác nhau. Sau nhiều năm, ông Tesshu tự cải tiến công cụ và kỹ thuật “vá”, hay nói đúng hơn là tỉ mỉ dệt lại bằng tay phần vải bị rách trên từng trang phục. Chẳng hạn, ông nghĩ ra những mẫu kim đặc biệt để thực hiện kaketsugi, cũng như thu thập vải từ những phần như túi và lớp lót bên trong của trang phục. Và người cha đã truyền nghề cho con gái mình.
Cần phải có đủ vải cùng mẫu để vá lỗ thủng. Trong trường hợp không có, nghệ nhân có thể sử dụng vải mặt trong của áo. Quá trình may vá đòi hỏi tay nghề chính xác và cẩn thận. Trong đoạn phim đăng trên website của Ðài NHK, cửa hàng tiếp nhận đơn hàng là một chiếc áo vest bị thủng do tàn thuốc lá. Bà Yoshika phân tích cách thức dệt loại vải may áo vest và kết luận rằng loại vải này có 4 sợi trên 1mm. Bà quan sát cách thức các sợi vải chồng lên nhau như thế nào và dệt lại một cách hết sức thận trọng. Mất khoảng 40 phút để hoàn tất 1cm. Một tuần sau, chiếc áo vá xong và được gởi lại cho khách hàng. Nếu không được đánh dấu trước, người khách thậm chí còn không nhận ra lỗ thủng từng ở vị trí nào.
Năm 2016, Oriwa Giken mở website và tiếp nhận các đơn đặt hàng trên khắp Nhật Bản. Ðối tượng của họ là những khách hàng không nỡ vứt đi trang phục có nhiều kỷ niệm đối với mình. Mỗi năm, họ tiếp nhận và hoàn thành khoảng 2.000 bộ quần áo. Cả hai cha con nghệ nhân đều tìm thấy niềm vui khi khách hàng của họ vui mừng trước những bộ trang phục được làm lại như mới. “Tôi hãnh diện vì quần áo bị hỏng lại có thể tiếp tục sử dụng lâu dài, nhất là trong kỷ nguyên thừa mứa vật chất như thế này”, bà Yoshika chia sẻ.
Những vết rách, thủng đã hoàn toàn biến mất với tài nghệ của bà Yoshiko
Bà Yoshiko cho biết trải nghiệm ở Mỹ đã truyền cảm hứng cho bà đặt ra mục tiêu mới: “Tôi muốn tiếp nhận đơn hàng từ nước ngoài và biến kaketsugi thành một kỹ thuật được cả thế giới công nhận”. Bà Yoshika và người cha Tesshu hy vọng có thể tiếp cận và phân tích cấu trúc của nhiều loại vải vóc khác trên thế giới. “Còn rất nhiều cấu trúc vải tôi không quá quen thuộc. Tôi vô cùng mong đợi tiếp nhận thử thách mới”, theo nữ nghệ nhân.