Kế hoạch xây đập đe dọa thiên đường chim di cư

Hoảng sợ trước đợt hạn hán lịch sử, Trung Quốc đang tính xây đập cho hồ nước ngọt lớn nhất nước này nhưng vấp phải nhiều tranh cãi.

Các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo, việc xây đập trên hồ Bà Dương - điểm dừng chân của hơn nửa triệu con chim vào mùa đông - sẽ đe dọa hệ sinh thái mong manh trong khu vực. Nhà bảo tồn Zhang Daqian nói rằng nếu kế hoạch được thực hiện, con đập dài 3.000 m bắc qua một trong các kênh của hồ sẽ cắt đứt nó với sông Trường Giang, khiến Bà Dương trở thành "một cái hồ chết".

Trung Quốc đã xây dựng hơn 50.000 con đập ở lưu vực sông Trường Giang trong 70 năm qua, bao gồm cả đập Tam Hiệp, bất chấp sự phản đối của các nhà bảo vệ môi trường. Trong cùng thời kỳ, ít nhất 70% vùng đất ngập nước của con sông dài nhất châu Á đã biến mất, theo dữ liệu từ Bộ Môi trường Trung Quốc.

Khi dự án đập Bà Dương được đề xuất ban đầu, những lời chỉ trích gay gắt từ các nhà sinh thái học đã khiến kế hoạch bị gạt bỏ. Nhưng khi hạn hán ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, dự án lại được xúc tiến.


Hồ Bà Dương. (Video: Sharjah24 News)

Hồ Bà Dương cung cấp nước cho 4,8 triệu cư dân của tỉnh Giang Tây. Chính quyền địa phương cho biết việc xây đập sẽ giúp tiết kiệm nước, tưới tiêu cho nhiều đất nông nghiệp hơn và cải thiện giao thông đường thủy.

Trong một mùa mưa bình thường, hồ Bà Dương có thể lớn gấp ba lần Los Angeles. Các bãi bùn của nó là nơi kiếm ăn chính trong mùa đông cho hàng trăm nghìn con chim di cư bay về phía nam để tránh rét, trong đó có loài sếu Siberia cực kỳ nguy cấp, với số lượng đã giảm xuống chỉ còn khoảng 4.000 con.

Hạn hán năm nay là tồi tệ nhất trong vòng 70 năm qua, khiến hồ Bà Dương bước vào mùa khô sớm hơn thường lệ ba tháng. Tuy nhiên, hàng trăm con chim vẫn tập trung tại những vũng nước nhỏ còn sót lại trên lòng hồ nứt nẻ khi phóng viên AFP đến thăm một khu bảo tồn ở huyện Vĩnh Tu, tỉnh Giang Tây vào đầu tháng 11.

"Những con chim di cư vẫn đang đến Bà Dương, bởi đây là ngôi nhà mùa đông quen thuộc của chúng", một nhân viên họ Chen tại khu bảo tồn chia sẻ. "Nhưng không có cá hay tôm cho chúng ăn. Nhiều loài chim kéo đến những cánh đồng gần đó và nông dân được yêu cầu để lại một ít lúa chưa thu hoạch cho chúng".


Hạn hán tồi tệ nhất 70 năm khiến hồ Bà Dương bước vào mùa khô sớm hơn thường lệ. (Ảnh: AFP)

Không rõ đập Bà Dương đang ở giai đoạn phát triển nào. Cả chính quyền địa phương cũng như Bộ Môi trường Trung Quốc đều không trả lời các câu hỏi do AFP đặt ra.

Lu Xixi, Giáo sư địa lý tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết nếu họ tiếp tục, dự án sẽ phá vỡ dòng chảy tự nhiên của hồ với sông Trường Giang, đe dọa các bãi triều mà chim kiếm ăn. Việc mất đi sự lưu thông nước tự nhiên cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng loại bỏ chất dinh dưỡng của hồ Bà Dương, gây nguy cơ tích tụ tảo, có thể phá vỡ chuỗi thức ăn .

Con đập thậm chí có thể ảnh hưởng đến một loài cực kỳ nguy cấp khác là cá heo không vây sông Trường Giang, hiện chỉ còn hơn 1.000 con trong tự nhiên. Trong thời kỳ hạn hán, cá heo trú ẩn trong cùng một kênh mà con đập dự kiến cắt qua, một kiểm lâm viên đã tuần tra hồ trong hơn một tháng, nói với AFP.

Theo tổ chức bảo tồn Friends of Nature có trụ sở tại Bắc Kinh, Đánh giá Tác động Môi trường (EIA) được công bố vào tháng 5 đã không nghiên cứu toàn diện về việc xây đập có ảnh hưởng đến sự di cư của cá heo hay không.

"Nếu không có bằng chứng khoa học toàn diện và chưa loại bỏ các rủi ro môi trường, dự án không nên được xúc tiến", tổ chức nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Cập nhật: 29/12/2022 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video