Kênh đào 5,5 tỷ USD nối Paris với đường thủy châu Âu

Siêu dự án kênh đào Seine-Nord Europe dài 107km sẽ cung cấp tuyến lưu thông đường thủy thông suốt để vận chuyển hàng hóa giữa 4 nước châu Âu.


Bản vẽ phối cảnh âu tàu ở Noyon, Oise, thuộc kênh đào Seine-Nord Europe. (Ảnh: SCSNE/AEI-ONE)

Sau nhiều lần trì hoãn, dự án kênh đào Seine-Nord Europe (SNEC) đang được thi công. Đây là dự án 5,5 tỷ USD được thiết kế để phá vỡ một trong những nút tắc nghẽn giao thông lớn ở châu Âu. Kênh đào dài 107km sẽ nối sông Oise và kênh Dunkirk-Escaut, hình thành mạng lưới đường thủy có thể vận chuyển hàng hóa lớn giữa Paris, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, thay thế những tuyến đường bộ hay ùn tắc. Tuy nhiên, dự án sẽ phải vượt qua nhiều thách thức trước khi đi vào hoạt động năm 2030.

Hiện nay, kênh đào Nord là đường thủy quan trọng nhất nối lưu vực sông Seine với lưu vực sông Escaut River ở đông bắc nước Pháp. Ngay từ khi hoàn thành vào thập niên 1960, kênh đào 95 km này đã bị đánh giá là không đủ đáp ứng lưu thông do kích thước hẹp hạn chế tàu thuyền qua lại. Ý tưởng về một kênh đào thay thế dành cho tàu lớn hơn ra đời lần đầu tiên cách đây 50 năm nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc xúc tiến. Dự án SNEC được Liên minh châu Âu (EU) cấp kinh phí vào năm 2013. Năm 2019, chính phủ Pháp đạt được thỏa thuận tài chính với EU và chính quyền địa phương dọc tuyến đường.

Theo Jérôme Dezobry, chủ tịch hội đồng điều hành Société du Canal Seine-Nord Europe (SCSNE), tổ chức được thành lập để quản lý SNEC, kênh đào rộng 54 m giống như việc chuyển từ đường nhỏ ra xa lộ. Kênh đào có thể vận chuyển tàu nặng 4.400 tấn (gấp hơn 7 lần giới hạn của kênh đào cũ), chở hàng hóa tương đương 220 chiếc xe tải.

Công ty kỹ thuật và thiết kế Arcadis, đơn vị tư vấn dự án, cho biết vận chuyển hàng hóa dọc đường thủy thải ít carbon hơn 3 lần so với đường bộ. Theo họ, SNEC có thể giúp cắt giảm 760.000 xe tải trên đường mỗi năm khi đi vào hoạt động. Siêu dự án này kết hợp nhiều giải pháp cơ sở hạ tầng lớn. Một âu tàu có chiều cao tương tự tòa nhà 10 tầng và có thể rút lượng nước tương đương một bể bơi Olympic trong 30 giây, theo Dezobry.

"Dự án SNEC đặc biệt thách thức do kích thước và quy mô đồ sộ với hơn 107km chiều dài và 60 cây cầu, 3 cầu bắc qua kênh, 7 âu tàu và 700 hecta cây trồng", Philippe Bourdon, giám đốc điều hành Arcadis ở Pháp, chia sẻ.


Lộ trình của kênh đào Seine-Nord Europe. (Ảnh: SCSNE/AEI-ONE)

Cắt ngang qua đầm lầy và đất nông nghiệp, SNEC dấy lên nhiều câu hỏi về tác động với môi trường xung quanh. Kênh đào sẽ không sử dụng nước ngầm, chỉ rút nước từ sông Oise, lưu trữ trong bể chứa 14 triệu m3 xây ở Allaines. Các công nhân đang tiến hành một dự án dài hai năm để chuyển hướng dòng chảy của sông Oise qua 4km giữa tỉnh Thourotte và Montmacq để nhường đường cho kênh đào. Theo Bourdon, các kỹ sư đang nỗ lực hạn chế ảnh hưởng tới khu vực ẩm ướt và vùng sinh thái nhạy cảm ở thung lũng Tortille. Những đầm lầy và khu rừng mới sẽ được tạo ra để bù đắp bất kỳ thiệt hại nào đối với môi trường. Thành tựu kỹ thuật lớn nhất trong dự án sẽ là một cầu dẫn hướng 1,3 km giúp nâng kênh đào lên cao 30 m phía trên đầm lầy được bảo vệ ở thung lũng Somme.

Thông qua nối vùng đông bắc nước Pháp với mạng lưới đường thủy châu Âu dài 20.000km từ Paris tới Antwerp, dự án SNEC sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các địa phương. Nhiều cảng nội địa được quy hoạch dọc lộ trình của SNEC, hỗ trợ xuất khẩu và cung cấp cơ hội giải trí. Theo Xavier Bertrand, chủ tịch hội đồng vùng Hauts-de-France, kênh đào sẽ biến đổi khu vực, đem lại giá trị về mặt du lịch, nơi ở, dịch vụ ăn uống và vận chuyển đường sông.

Cập nhật: 13/07/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video